Lượng phát thải từ hoạt động nông nghiệp mỗi năm tương đương 65 triệu tấn CO2, chiếm trên 43% tổng lượng khí nhà kính của cả nước. Nguồn phát thải chủ yếu là từ canh tác lúa nước, đốt phế phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi. Dự báo lượng khí thải đến năm 2030 sẽ tiếp tục tăng lên gần 30%.
Số liệu trên được đưa ra tại hội thảo “Sử dụng hiệu quả phế phụ phầm nông nghiệp để cải thiện độ phì đất, tăng năng suất cây trồng và giảm phát thải khí nhà kính”. Hội thảo do Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh đồng tổ chức vào hôm 29/2 tại Hà Nội.
Hoạt động nông nghiệp gây phát thải khí nhà kính cao
(Ảnh chụp tại cánh đồng huyện Mê Linh – Hà Nội)
Theo các nhà khoa học, việc tái sử dụng phế phụ phẩm trồng trọt và chăn nuôi thành phân bón hữu cơ sinh học, than sinh học, khí sinh học…không những giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện độ phì nhiêu cho đất, tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm chi phí mà còn góp phần quan trọng vào việc giảm lượng phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng động.
Tuy nhiên, việc tái sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam còn rất hạn chế. TS Cao Việt Hưng, Cục trồng trọt cho biết, hiện nay nhu cầu sử dụng phân phân bón hữu cơ tại Việt Nam là rất lớn, ước tính khoảng 13 triệu tấn/năm trong khi công suất sản xuất của các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ trong nước chỉ đạt 500 nghìn tấn/năm, rất thấp so với nhu cầu. Trong khi đó chỉ tính riêng một số cây trồng chính như lúa, ngô, cà phê, mía mỗi năm có khoảng 50 triệu tấn phế phụ phẩm. “Với 50 triệu tấn phế phụ phẩm, nếu được xử lý theo đúng các quy định thì việc sản xuất 13 triệu tấn phân hữu cơ là hoàn toàn có thể thực hiện được”, TS Hưng nói.
Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện trên cả nước đã có trên 500 nghìn công trình khí sinh học sản xuất ra khoảng 450 triệu m3 khí gas/năm, tiềm năng sẽ giảm khoảng 22,6 triệu tấn CO2 và tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng chất đốt/năm. Theo Th.S Nguyễn Quỳnh Hoa, Cục chăn nuôi, với gần 100 triệu tấn chất thải chăn nuôi thải ra mỗi năm nhưng việc xử lý nguồn chất thải này đến nay còn quá khiêm tốn.
Nhằm cải thiện môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới một nền nông nghiệp carbon thấp, thân thiện với môi trường, Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án “Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn”. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính. Trong đó, ngành trồng trọt giảm được 9,46 triệu tấn CO2, chăn nuôi giảm 6,3 triệu tấn CO2, thủy sản giảm được 3 triệu tấn CO2 và ngành nghề nông thôn giảm được 4,78 triệu tấn CO2.
Theo Đất Việt