Đến nay, khi đã chung sống gần nửa thế kỷ, ông không giấu được sự xúc động khi lần đầu được chính thức cầm tay bà trao bó hoa cưới.
Ông Thành quê ở Thanh Hóa, bà Thủy là người Thái Bình, cả hai đều mồ côi cha mẹ.
47 năm về trước, họ tình cờ gặp nhau ở bãi rác trước ga Hàng Cỏ (Hà Nội), “nhặt tranh của nhau nhiều nên đi đến quyết định về cùng một nhà để đỡ phải tranh nhau” – theo lời giải thích hóm hỉnh của bà. Để kỷ niệm “ngày cưới”, ông xăm cả ngày hai người gặp nhau lên tay. Không một mâm cỗ, không một cơi trầu xin dâu, ông bà cứ thế sống với nhau, cùng nhau lang bạt khắp nơi kiếm miếng ăn, đến nay là 47 năm rồi.
Cách đây 4 năm, ông bà trôi dạt về bãi giữa sông Hồng. Đến thì lúc sắp bị đuổi đi thì công an thấy ông hay đi vớt xác người trôi sông nên đặt cho ông biệt danh là “ăn tranh của hà bá” và để ông bà ở lại. Cứ thế đến nay, ông bà coi túp lều đơn sơ dựng trên sông là ngôi nhà, là tổ ấm, là chốn đi về của mình. Hai ông bà không có con, sống dựa vào nhau bằng số tiền ít ỏi ông tự bươn chải kiếm được trong ngày.
Sức khỏe bà Thủy yếu nên ông Thành chăm chỉ đi sớm về muộn nhặt rác để mưu sinh. Căn nhà trên sông chẳng có cái gì đáng giá, nhưng không bao giờ thiếu 2 chiếc điếu cày, ông 1 cái, bà 1 cái vì ông bảo: “đỡ phải tranh nhau!”. Một ngày ông kiếm được 20 ngàn đồng thì kiểu gì cũng sẽ để dành 5 ngàn đồng mua bia cho bà vì “tuổi bà uống rượu nhanh say, không tốt cho sức khỏe”. Đến nay khi tuổi đã xế chiều, ông bà chưa một lần dám mơ đến đám cưới. Có đôi khi, bà cười bảo: “Kiếp này thì thôi không tính nhưng kiếp sau đón dâu tôi thì nhất định phải có xe bò tôi mới chịu”. Cứ như thế, đôi chim uyên ương đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, sát cánh qua mọi thăng trầm của gần nửa thế kỷ. Khi tuổi đã già, một đứa con là mong muốn lớn nhất của ông bà trong giờ phút này, bà kể: “Bà không có con cái buồn lắm, chán đời chỉ muốn uống rượu rồi chết quách đi nhưng nghĩ ông ấy có mỗi mình mà chết thì buồn”. Cũng đôi khi, ông ngậm ngùi bảo: “Chỉ thèm đứa con oe oe, tôi nhịn ăn cho nó ăn”.
Bộ ảnh cưới dưới đây cũng là một sự bất ngờ dành cho ông Thành bà Thủy. Lần đầu tiên được khoác lên mình bộ quần áo tươm tất, được “giống cô dâu chú rể”, được cầm trên tay cơi trầu và bó hoa trắng, ông bà không khỏi khiến người đối diện rưng rưng nước mắt vì những bộc bạch hết sức chân thành của mình. Cả đời lăn lộn, bữa cơm ăn hàng ngày còn khó, huống gì là một đám cưới tươm tất…
Tác giả của bộ ảnh trên – nhiếp ảnh gia Hải Lê Cao cho biết phải lặn lội tới hai lần, anh mới có thể nhận được sự đồng ý của hai nhân vật chính đặc biệt này. “Tôi xin phép được gọi đây là một chuyện tình thế kỷ bởi quãng đường dài mà ông bà đã đi bên nhau. Được ghi lại hình ảnh về đám cưới – điều mà ông Thành luôn ấp ủ muốn làm cho người vợ của mình, đối với tôi, đó là cả một sự may mắn. Đứng đối diện với họ, tôi lại thêm một lần nữa phải thay đổi suy nghĩ về cái gọi là định nghĩa tình yêu và hạnh phúc”, nhiếp ảnh gia Hải Lê Cao chia sẻ.
“Tổ uyên ương”, ngôi nhà của ông Thành bà Thủy nằm ở ven bãi giữa.
Căn nhà được dựng tạm trên những chiếc bè được nhà hảo tâm tài trợ.
Tối tân hôn, cảm giác của hai ông bà thật khó tả. Bà còn hỏi ông: “Thế bây giờ ông tính sao?”.
“Bây giờ có cô Hoa hậu ngồi cạnh thì bà vẫn là nhất!”.
“Tuổi bà uống rượu nhanh say, không tốt cho sức khỏe. Một ngày ông kiếm được 20 nghìn đồng thì dành 5 nghìn mua bia cho bà”.
“Cả một đời bà không nhà không cửa, ăn còn không đủ, sao dám nghĩ đến đám cưới”.
Yêu thương nhau thì cơm mắm muối cà cũng ngon.
“Kiếp này thì thôi tôi không tính, kiếp sau phải có xe bò đón dâu tôi mới chịu nhé”.
“Sợ vợ là đúng, là hạnh phúc”
Nguồn: Theo Trí Thức Trẻ
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.