Gấu có thể nhịn ăn trong nhiều ngày hay có lông màu đen khi nhìn dưới ánh sáng tím là những điểm thú vị về loài gấu trắng Bắc Cực.
>>> Phát hiện độc chất trong mô não gấu Bắc Cực
1. Cân nặng của gấu
Một con gấu đực trưởng thành thường nặng khoảng 350-540kg, tương đương với cân nặng của 5-7 người đàn ông. Theo Tổ chức gấu Bắc Cực Quốc tế, con gấu lớn nhất từng được ghi nhận có cân nặng 1 tấn. Ngược lại, gấu cái trưởng thành có cân nặng chỉ bằng một nửa so với gấu đực, khoảng từ 50-295kg. Khi mới sinh, gấu có kích thước khá nhỏ và chỉ nặng khoảng 0,5kg. Những con đực sẽ đạt kích thước trưởng thành ở độ tuổi 8-14, ở con cái là 5-6 tuổi.
2. Nhịn ăn
Nếu không được ăn trong vòng từ 7-10 ngày, một con gấu trắng có thể tự làm chậm quá trình trao đổi chất cho đến khi kiếm được bữa ăn tiếp theo. Thức ăn chủ yếu của gấu trắng là hải cẩu. Theo các nhà nghiên cứu, tác động của biến đổi khí hậu làm cho nguồn thức ăn của loài gấu này trở nên khan hiếm và khiến gấu trắng có thể tấn công con người. Gấu không ngủ đông, tuy nhiên trong thời gian gấu mẹ sống ở hang để chăm sóc gấu con, thường từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, chúng sẽ không ăn, không uống hay đi vệ sinh.
3. Bộ lông đặc biệt
Gấu trắng Bắc Cực được nhận ra rất nhanh bởi màu lông trắng đặc trưng. Tuy nhiên, lông của chúng không phải là màu trắng mà không màu và rỗng, giống như tóc trắng ở người. Khi được nhìn dưới ánh sáng tím, lớp lông của loài gấu này có màu đen. Đối với người và phần lớn các loài động vật nhìn được ánh sáng thường, thì gấu trắng Bắc Cực có màu lông gần như lẫn màu tuyết ở môi trường sống xung quanh. Tuần lộc là loài nhìn thấy trong ánh sáng tím và có thể nhận dạng được đặc điểm này của gấu trắng Bắc Cực.
4. Khứu giác tốt
Gấu trắng Bắc Cực là loài có khứu giác rất nhạy bén. Đây là lợi thế được chúng sử dụng để tìm mồi. Gấu trắng có thể đánh hơi được một con hải cẩu từ khoảng cách 32km và có thể ngửi thấy hơi thở của con hải cẩu trong băng từ cách xa 800m.
5. Số lượng giảm đáng kể
Gấu trắng Bắc Cực dựa vào các vùng biển băng để săn mồi và sinh sống. Trong khi đó, hiện tượng ấm lên toàn cầu đang làm tan chảy các biển băng và ảnh hưởng đến môi trường sống của loài gấu này. Theo các chuyên gia, 2/3 số lượng gấu trắng Bắc Cực sẽ biến mất vào năm 2050. Tháng 5/2008, Mỹ xếp gấu trắng Bắc Cực vào nhóm các loài đang gặp nguy hiểm. Tại Canada và Nga, chúng là loài động vật được quan tâm đặc biệt.
Theo VNE