Viện sĩ Evghenhi Alexander đã có bài trả lời phỏng vấn tạp chí Ogonhiek (Ngọn lửa nhỏ), trong đó nêu rõ 5 “điểm nóng” khoa học bấy lâu nay gây xôn xao, thậm chí gây chấn động dư luận khoa học trên thế giới.
1 – Máy phát nhiệt trường xoắn. Lần đầu tiên, dư luận quốc tế biết về trường xoắn vào năm 1991.
Hồi đó, theo sáng kiến của Viện HLKH Liên Xô, người ta đã tiến hành một cuộc điều tra đặc biệt để làm rõ chuyện có nhiều bộ và ngành ở Liên Xô đã bỏ ra chừng gần nửa tỷ rúp để tài trợ cho các công trình nghiên cứu giả khoa học và phản khoa học về trường xoắn, hay còn gọi là trường microlipton.
Sau đó, một số “nhà khoa học” về trường xoắn đi vào hoạt động bí mật, còn một số khác chạy ra nước ngoài.
Tháng 11/2006, các “nhà khoa học” về trường xoắn còn có ý định trình diễn một loại “công nghệ thế hệ 6” để chẩn đoán sớm các loại bệnh.
Trên thực tế, không hề có trường xoắn nào trong tự nhiên. Các thí nghiệm chứng tỏ hiệu quả của cái gọi là “các máy phát điện trường xoắn” thấp hơn nhiều so với chiếc bình đun nước thông thường nhưng lại được các “Cty khoa học” bán với giá tới 5.000 USD.
2 – Vũ khí điều khiển tâm lý. Tháng 12/2006, Thiếu tướng an ninh Nga Boris Ratnhicov đưa ra tuyên bố gây chấn động với báo giới về cái gọi là “cuộc chiến tranh ngoại cảm”. Theo họ, “vũ khí điều khiển tâm lý” không chỉ có tác động lên tâm lý con người mà còn được dùng để đọc được ý nghĩ của họ.
Ngay từ thời Liên Xô, trong giới tình báo Nga rất phổ biến câu chuyện về các “máy phát tâm thần kinh” có thể ảnh hưởng đến tâm lý con người. Trên thực tế những máy phát này chỉ là những thiết bị thông thường. Không chỉ các sĩ quan an ninh Nga mà cả đồng nghiệp của Mỹ cũng tin vào chuyện đó.
Giữa thế kỷ 20, người Mỹ đã tiến hành nhiều thí nghiệm nhằm sử dụng khả năng ngoại cảm để liên lạc với tàu ngầm nhưng họ đã thất bại. Tới đầu thế kỷ 21, Quốc hội Mỹ lại quan tâm đến những thí nghiệm này và Lầu Năm Góc đã đầu tư 20 triệu USD cho một cuộc thí nghiệm phiêu lưu trong khoa học.
3 – Năng lượng thay thế. Tháng 4/2006, Phó Tổng thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nicolai Spasski tuyên bố trước thềm Hội nghị G-8 rằng sẽ có sự phát triển đột phá trong ngành năng lượng.
Theo ông, những đột phá đó là: tổng hợp nhiệt hạch có điều khiển, năng lượng hydro và năng lượng chân không. Trên thực tế, trong danh mục các thành tựu có tính đột phá mà ông Nicolai Spasski đưa ra, chỉ có năng lượng hydro là đã gần tiến tới khả năng thực tế.
Nhưng việc ứng dụng và sản xuất hydro liên quan đến rất nhiều vấn đề kỹ thuật khác mà hiện nay chưa giải quyết xong. Phản ứng tổng hợp nhiệt hạch có điều khiển về nguyên tắc hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng hiệu quả sử dụng năng lượng này chỉ có thể có sau năm 2050.
4 – Phản hấp dẫn. Ông Vladimia Nikitin – Giám đốc Trung tâm khoa học kỹ thuật “Intraphysika” – đến gặp một trong các cố vấn của Tổng thống Nga V. Pustin để xin ý kiến về bộ tài liệu đã được gửi đến Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Các viện sĩ đã đọc qua và ngạc nhiên.
Để lập luận chứng cho phần thực nghiệm, các nhà khoa học đã sử dụng lý thuyết trường thống nhất mà trong suốt nửa thế kỷ qua, những trí tuệ siêu việt của loài người đã tập trung nghiên cứu. Theo Viện sỹ E. Alexander, những công thức được V. Nikitin đưa ra không có ý nghĩa gì hết nhưng lại được sử dụng để thể hiện ý tưởng khoa học.
Thậm chí, một số “nhà khoa học” còn nói đến một loại siêu vũ khí, nguồn năng lượng siêu mạnh, các phương tiện truyền thông thế hệ mới và thậm chí các tàu vũ trụ bay bằng động cơ phản hấp dẫn.
5 – Đĩa bay. Đĩa bay là ước mơ của các nhà thiết kế hàng không trên thế giới. Có nhiều người đề xuất trong những năm tới sẽ chế tạo một loại phương tiện bay không có tiếng động, không gây ô nhiễm môi trường, có tốc độ cao và khả năng cơ động lớn.
Trong lĩnh vực này có Viện Nghiên cứu khoa học các hệ thống vũ trụ. Giám đốc của Viện, ông Valeri Menshicov, khẳng định cơ sở để thiết kế loại khí tài này là các bản vẽ về đĩa bay của Đế chế thứ 3.
Đã có nhiều người đề xuất chế tạo đĩa bay có tính chất khác thường như tốc độ vô hạn (điều này là không thể có được vì trái với định luật của Newton), có khả năng vượt qua tốc độ ánh sáng và trở lên tàng hình (điều này trái với thuyết tương đối của Albert Einstein); chuyển động không cần điểm tựa (điều này trái với định luật bảo toàn năng lượng và định luật thứ 3 của Newton).
(Ảnh: corin.com)
Thạc sỹ vật lý Nguyễn THị Bích Ngọc
Theo Tiền phong