Ngoài các món hải sản nổi tiếng của miền biển như tôm, cua, cá, mực bạn nên thưởng thức các món ăn vặt như bánh xèo hải sản, bắp nướng hay bánh cuốn nóng khi du ngoạn Phú Yên.
Bánh xèo hải sản
Khác với bánh xèo miền Tây, loại bánh này ở Phú Yên có kích thước vừa phải. Món ăn làm từ bột gạo tẻ ngâm nước, xay nhuyễn. Khi tráng bánh, người thợ nhanh tay múc từng vá bột đổ vào khuôn sau đó cho thêm giá sống, hẹ và nhân tôm, mực vào bên trong. Bánh được chiên đến khi giòn và chấm mắm nêm hoặc nước mắm chua ngọt.
Để món bánh độc đáo hơn người dân Phú Yên thường cuộn bánh trong từng lớp rau sống gồm xà lách, rau thơm, dứa và chấm cả cuốn vào chén nước mắm đậm đà. Thực khách dễ bị vị giòn tan của bột bánh, vị béo của nhân cuốn hút, ăn hoài không ngán mà lại rất nhẹ bụng. Bạn có thể tham khảo các địa chỉ được nhắc đến nhiều ở đường Lê Thánh Tôn, chợ Tân Hiệp…
Bắp nướng mắm nêm
Dù là món ăn vặt đơn giản và quen thuộc trên khắp các vùng miền. Nhưng bắp nướng ăn tại Phú Yên sẽ tạo cho thực khách những dư vị riêng rất lạ. Thú vị nhất là các bếp than nướng bắp ở vỉa hè, mà nếu dạo một vòng buổi tối quanh các con đường tại đây bạn sẽ dễ dàng bắt gặp. Khói bếp nghi ngút, người bán cứ luôn tay trở đi trở lại trái bắp vàng ruộm trên bếp đến khi chúng hơi ngả màu thì lấy ra nhúng cả vào tô mắm nêm hay mỡ hẹ tùy ý thực khách và lại tiếp tục đưa lên vỉ nướng, đảo sơ qua lại. Mùi thơm của bắp nếp quyện với mùi mắm nêm thơm lừng sẽ khiến bạn ăn vài bắp mới cảm thấy hài lòng.
Giá một trái bắp nướng khoảng 7.000 – 9.000 đồng. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các quầy bắp nướng khói nghi ngút dọc các con đường dẫn đến quảng trường 1/4.
Bánh bèo chén
Bánh bèo là một trong những món ăn chơi ngon và có mặt phổ biến khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Theo đánh giá của nhiều người, dù là bánh bèo Huế hay bánh bèo ở nơi khác thì đều cho ra hương vị không khác nhau là mấy. Nhưng nếu đã thưởng thức qua món bánh bèo Phú Yên một lần bạn sẽ cảm được cái nét rất riêng của món bánh xứ này.
Sở dĩ, món bánh bèo nóng Phú Yên thơm ngon hấp dẫn thực khách còn nằm ở việc chủ quán biết cách giữ chén bánh bèo nóng hổi trước khi mang ra cho khách, làm thực khách phải trở tay rất nhiều lần mới cầm được chén bánh trên tay.
Một trong những nguyên liệu tiếp theo làm nên cái hồn của chén bánh bèo chính là dăm bông, bánh mỳ chiên giòn và mỡ hành. Dăm bông được làm bằng thịt heo, sợi mềm nhỏ và tơi xốp trông rất thích mắt. Vị của dăm bông Phú Yên rất vừa vặn, không quá ngọt cũng không quá mặn.
Giá một khay bánh từ 8 đến 10 chén khoảng 10.000 đến 15.000 đồng. Bạn có thể tìm ăn ở đường Lê Trung Kiên – Tản Đà hoặc các hàng quán dưới chân núi Nhạn.
Riêng bánh mỳ sau khi chiên giòn sẽ được làm nhỏ ra thành từng miếng, trông giống từng tép mỡ, vàng ruộm, béo ngậy và rất xốp giòn. Còn mỡ hành, tuy là nguyên liệu nhỏ bé nhưng góp phần làm cho chén bánh trông bắt mắt và tươi ngon hơn. Sau khi tất cả đã hoàn thành, người ta sẽ rắc ít dăm bông, bánh mỳ và cả mỡ hành lên từng chén bánh bèo, xếp vào khay lớn khoảng 10 chén và dọn lên cho thực khách, kèm theo đó là chén nước mắm chua ngọt.
Bánh canh hẹ
Là món ăn nổi tiếng khắp nơi, mang thương hiệu của người dân Tuy Hòa và được du khách rất ưa thích, đến đây bạn có thể ăn bánh canh hẹ ở một quán ven đường vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Sợi bánh canh làm từ bột gạo, mềm dai và không bở. Chả cá được làm từ các loại cá biển có nhiều ở đây và giã nhuyễn, nặn thành từng miếng, hấp chín rồi chiên vàng. Nét làm nên điều khác biệt trong bát bánh canh của người Phú Yên có lẽ là ở màu xanh mướt cùng vị thơm nồng của hẹ.
Giá một tô khoảng 8.000 đến 10.000 đồng. Bạn có thể ghé qua các quán trên đường Ngô Quyền hoặc Nguyễn Huệ để thưởng thức.
Chả dông
Đây là món đặc sản của tỉnh Phú Yên. Thịt dông có sẵn vào mùa hè và người dân thường bắt ở bãi cát ven biển. Nhìn từ bên ngoài, món ăn này cũng giống như các loại chả khác với màu vàng ươm đặc trưng. Điều đặc biệt là thay vì nhân thịt lợn hay thịt bò, người dân địa phương ở đây lấy thịt từ con dông, trông tựa như rắn mối hay kỳ nhông, làm nguyên liệu chính.
Thực khách sẽ cảm nhận được vị giòn tan và mùi thơm của miếng chả dông khi thưởng thức. Vì dông được bắt ngoài tự nhiên nên thịt chắc, không có nhiều mỡ và có mùi thơm đặc trưng. Mùi vị của dông hòa quyện với các hương liệu và gia vị, như sự pha trộn của biển với núi rừng. Chả dông thường được ăn kèm với các loại rau sống và dưa chuột để át đi vị ngậy của dầu mỡ.
Nguồn: Theo Công luận
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.