5 sinh vật cao tuổi nhất trên Trái Đất

5 sinh vật cao tuổi nhất trên Trái Đất

Những sinh vật sống trên Trái Đất có tuổi thọ từ hàng nghìn đến hơn 100.000 năm, thu hút sự chú ý của giới khoa học.

5 sinh vật cao tuổi nhất trên Trái Đất
Bãi cỏ biển 100.000 tuổi của Tây Ban Nha. (Ảnh: Rachel Sussman.)

Những sinh vật cổ xưa luôn gây tò mò cho các nhà nghiên cứu, thúc đẩy họ tìm ra bí mật giúp chúng sống lâu như vậy, theo Top News.

Cỏ biển Tây Ban Nha – 100.000 tuổi

Nhóm cỏ biển được phát hiện gần quần đảo Balearic, Tây Ban Nha, được cho là sinh vật cổ nhất thế giới, có niên đại khoảng 100.000 năm. Bãi cỏ biển này trải rộng hơn 16 km dưới mặt nước, là một loài thực vật có đầy đủ hoa và quả.

Để bảo vệ các cánh đồng cỏ biển bao phủ thềm đại dương, chính phủ Tây Ban Nha đang thúc đẩy việc đánh dấu chúng trên bản đồ vận tải hàng hải.

Pando – 80.000 tuổi

Cụm cây cổ thụ Pando sinh ra từ một cây dương lá rung giống đực trong rừng quốc gia Fishlake, Mỹ với hệ thống rễ có niên đại khoảng 80.000 năm. Đây được coi là sinh vật nặng nhất thế giới với hơn 40.000 thân cây vỏ cứng có tổng khối lượng khoảng 6.000 tấn.

Pando còn được gọi là “Người khổng lồ run rẩy”. Chúng bao phủ diện tích 42 hecta và được cho là đang chết dần vì hạn hán, côn trùng xâm nhập và bệnh dịch.

Thủy miên vùng McMurdo Sound – 15.000 tuổi

Thủy miên khổng lồ được tìm thấy ở khu vực thềm lục địa McMurdo, Nam Cực được cho là đã tồn tại 15.000 năm. Loài động vật biển không xương sống này thường có màu trắng hoặc vàng nhạt, có thể cao tới 2 m và rộng 1,4 m.

5 sinh vật cao tuổi nhất trên Trái Đất
Khối thủy miên hơn 15.000 tuổi. (Ảnh: Top News.)

Các nhà khoa học phát hiện ra khí hậu cực kỳ lạnh của đại dương làm chậm lại tiến trình sinh học. Điều đó khiến hải miên phát triển với tốc độ cực chậm, dẫn đến tăng tuổi thọ một cách đáng kể. Loài bọt xốp mềm này thường được thấy ở độ sâu hơn 30 m dưới lớp băng, khiến cho việc nghiên cứu chúng trở nên khó khăn.

Cây baobab Sunland – 6.000 năm tuổi

Phân tích niên đại carbon cho thấy cây baobab khổng lồ ở trang trại Sunland, Limpopo, Nam Phi khoảng 6.000 tuổi. Hơn 7.000 lượt khách từ khắp nơi trên thế giới ghé thăm cây baobab này mỗi năm. Họ thường nghỉ ngơi ở quán nước được khoét vào thân cây rỗng, có trần cao tới 4 m và đủ chỗ cho 15 người ngồi thoải mái.

Cây ô liu vùng Vouves – khoảng 4.000 tuổi

Đây là cây ô liu trong làng Ano Vouves, đảo Crete, Hy Lạp. Rất khó để xác định chính xác tuổi của cây ô liu này, nhưng nó được coi là một trong những cây ô liu già nhất thế giới và vẫn ra quả.

5 sinh vật cao tuổi nhất trên Trái Đất
Cây ô liu cổ đại trên đảo Crete. (Ảnh: Top News.)

Việc phân tích vòng cây cho thấy nó được trồng cách đây ít nhất 2.000 năm, nhưng các nhà khoa học thuộc Đại học Crete ước tính nó đã được 4.000 tuổi. Năm 1997, cây được tuyên bố là hiện vật tự nhiên được bảo vệ. Tới tháng 10/2009, bảo tàng cây ô liu Vouves được khánh thành gần đó. Mỗi năm có khoảng 20.000 lượt khách tới tham quan cây ô liu này.

 

Theo VnExpress