5 sinh vật kỳ dị sống ngon lành trên Sao Hỏa

0
113

Hẳn những sinh vật có thể tồn tại trên sao Hỏa phải mang trên mình hình dạng và khả năng sinh tồn đặc biệt lắm…

Những sinh vật có thể sống dễ dàng trên Hành tinh Đỏ

Với việc tìm ra nước lỏng trên sao Hỏa mới đây, NASA tự tin cho rằng khả năng sao Hỏa có tồn tại sự sống là rất lớn. Tuy nhiên với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt: nhiệt độ thấp, khí quyển mỏng, nồng độ oxy cực thấp – chỉ 0,13% thì những sinh vật nào có thể tồn tại ở đây?

1. Bọ gấu nước

Bọ gấu nước có tên khoa học là Tardigrade, là một dạng vi sinh vật sống dưới nước. Hóa thạch của loài này có niên đại cách đây 530 triệu năm trước.

Bọ gấu nước.

Điều khiến loại sinh vật này trở nên đặc biệt, đó là chúng gần như… bất tử. Chúng có thể tồn tại ở bất kỳ đâu, trong những môi trường cực kỳ khắc nghiệt.

Bọ gấu nước trưởng thành có thể sống sót trong nhiệt độ -273 độ C – gần như đạt đến nhiệt độ âm tuyệt đối. Ngoài ra, chúng miễn nhiễm với mức độ bức xạ cao gấp 1.000 lần so với các sinh vật khác.

Bọ gấu nước là một trong những sinh vật có sức sống mãnh liệt đến… đáng sợ.

Không chỉ vậy, loài bọ gấu còn gây sửng sốt cho các nhà khoa học khi có thể tồn tại hàng trăm năm dù… không có nước. Chúng cũng là sinh vật duy nhất cho đến nay có thể tồn tại được trong môi trường vũ trụ mà không cần đến thiết bị bảo vệ.

Chính vì thế, nếu chúng ta có thể tìm thấy loài bọ Tardigrade “bất tử” trên sao Hỏa thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

2. Động vật kỵ khí Spinoloricus

Bọ gấu nước là một ứng cử viên sáng giá, nhưng có lẽ Spinoloricus mới là sinh vật có tiềm năng được tìm thấy trên sao Hỏa nhất.

Spinoloricus – động vật đầu tiên trên Trái đất không cần đến oxy để sinh trưởng.

Spinoloricus là loài động vật không xương, có chiều dài cơ thể chỉ vài milimet. Chúng được tìm thấy ở độ sâu 3.000m dưới thềm lục địa L’Atalante thuộc biển Địa Trung Hải – nơi có hàm lượng muối rất cao và hoàn toàn không có oxy.

Điều này có nghĩa, Spinoloricus có thể chịu được áp suất rất cao, đồng thời có thể sinh trưởng mà không cần đến sự xuất hiện của oxy.

 

Theo như NASA công bố, nước trên sao Hỏa là nước muối, có độ mặn cao hơn các đại dương trên hành tinh của chúng ta. Nồng độ oxy trên sao Hỏa cũng vô cùng thấp.

Chính vì thế, không những có thể sống tốt trên Hành tinh Đỏ, Sphinoloricus cũng là loài sinh vật được đánh giá là nhiều khả năng xuất hiện tại đây.

3. Cổ khuẩn methane – hay methanogen

Năm 2014, robot tự hành Curiosity của NASA đã phát hiện ra trên sao Hỏa có tồn tại những đám mây khí methane – chất khí thường là sản phẩm của các phản ứng hóa sinh trên cơ thể sống.

Ngay lập tức, các khoa học gia đặt câu hỏi về nguồn gốc của loại khí này. Một trong những giả thuyết được đưa ra là loại vi khuẩn methanogen trên Trái đất có “họ” với loại cổ khuẩn methane.

Robot tự hành Curiosity.

Methanogen là một trong những loài vi khuẩn có cấu tạo đơn giản và niên đại cổ xưa nhất trên Trái đất. Chúng sử dụng khí Hydro và CO2 (chất khí chiếm tới 95% bầu khí quyển của sao Hỏa) cho quá trình trao đổi chất và sản phẩm tạo thành chính là khí methane.

Methanogen – một trong những vi sinh vật có nhiều khả năng tồn tại trên sao Hỏa nhất.

Theo một nghiên cứu của ĐH Arkansas (Mỹ), cổ khuẩn methane có thể sống sót trong điều kiện khắc nghiệt. Chúng sống sót trong môi trường áp suất thấp, thậm chí chẳng cần khí oxy, cũng không cần quang hợp.

Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học đánh giá rằng Methanogen là ứng cử viên sáng giá trong danh sách những sinh vật có thể sống trên Sao Hỏa.

4. Vi khuẩn lam

Nhắc đến sinh vật có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt nhất thì không thể bỏ qua khuẩn lam – Cyanobacteria.

Trên Trái đất, khuẩn lam xuất hiện từ hơn 2,8 tỉ năm trước và tồn tại ở khắp mọi nơi: dưới đại dương, trong nước ngọt, đất đá, hoang mạc, thậm chí cả trong lớp băng đá vĩnh cửu tại 2 địa cực của chúng ta.

Hình ảnh khuẩn lam dưới kính hiển vi.

Nhưng liệu khuẩn lam có thể cư ngụ được trên sao Hỏa? Nhiều khoa học gia cho rằng, câu trả lời là có. Bởi lẽ khuẩn lam có thể tồn tại trong những môi trường khắc nghiệt: từ nơi có nhiệt độ cao (hoang mạc) đến thấp (địa cực) hay ngay cả trong môi trường với nồng độ oxy cực thấp (phòng thí nghiệm).

 

Tuy nhiên nhiều chuyên gia khác lại nêu quan điểm, việc có mặt khuẩn lam trên sao Hỏa là khá… vô lý. Họ cho rằng, khuẩn lam có khả năng quang hợp và sản sinh ra oxy, đồng thời sinh sôi nảy nở rất nhanh.

Thậm chí nhiều giả thuyết còn cho rằng, nguồn oxy trên Trái đất hiện nay bắt nguồn từ sinh vật này.

Dù khuẩn lam có sức sống mãnh liệt, nhưng sự tồn tại của chúng trên sao Hỏa được cho là vô lý.

Chính vì thế, nếu khuẩn lam có tồn tại trên bề mặt sao Hỏa, hành tinh này sẽ phải có nồng độ oxy vượt mức 0,13% chúng ta biết hiện nay.

Tuy vậy, giới khoa học bật mí, phải chăng chúng ta nên tìm cách cấy khuẩn lam lên sao Hỏa nhằm mục đích cải tạo hành tinh này thành một nơi cư trú được cho loài người.

5. Địa y

Thực chất địa y không phải là một sinh vật cụ thể mà là kết quả của sự cộng sinh giữa nấm và một loại tảo hoặc khuẩn lam.

Trên Trái đất, địa y (Lichen) tồn tại được ở những môi trường, địa hình khắc nghiệt nhất như Bắc Cực, sa mạc, bờ đá…

Thậm chí, người ta tin rằng địa y đã có mặt từ hơn 400 triệu năm trước.

Chính vì vậy, nhiều người cho rằng địa y có thể tồn tại được trên sao Hỏa, nhất là khi nơi đây đã được chứng minh là có nước.

 

Tuy nhiên cũng giống như khuẩn lam, địa y là loài có khả năng quang hợp tốt vì vậy theo nhiều người, sự xuất hiện của địa y ở Sao Hỏa sẽ không khả thi.

 

Theo Trí Thức Trẻ