5 trò chơi thúc đẩy sự sáng tạo của trẻ trước tuổi đi học

Đó là nền tảng tốt để bé phát triển trí thông minh của mình. Cũng đã đến lúc bạn nên hướng dẫn bé chơi một số trò chơi kích thích trí tuệ và sự sáng tạo của con trước tuổi đến trường rồi đấy! Dưới đây là top 5 game để bạn tham khảo.
1. Đoán đồ vật
Đây là một trò chơi thú vị và phổ biến dành cho trẻ nhỏ, và chúng có thể được thay đổi với nhiều đồ vật khác nhau để trẻ chơi cả ngày mà không thấy mệt mỏi. Bạn có thể kết hợp các con số, chữ cái, màu sắc và hình dạng khác nhau của các đồ vật để trẻ thỏa tài đoán đồ vật nhé! Bạn nên ngồi cạnh trẻ, gợi ý cho con thật tỉ mỉ đặc điểm của từng đồ vật để bé suy nghĩ, hình dung trong đầu và gọi đúng tên đồ vật. Ví dụ, bạn có thể gợi ý cho trẻ tìm một vật cao cao, có lá màu xanh. Bé sẽ đi tìm đồ vật đúng với gợi ý của bạn và gọi tên đồ vật. Nếu bé trả lời đúng, hãy ngợi khen bé để bé cảm thấy hứng thú chơi tiếp. Nếu bé gọi sai tên đồ vật, bạn nên gợi ý lại để bé tiếp tục suy nghĩ. Nếu trong đầu bé chưa có khái niệm về đồ vật cần đoán, bạn cần trả lời thay bé. Nhắc đi nhắc lại nhiều lần tên đồ vật để bé thuộc. Thực tế, ở độ tuổi trước khi đến trường, bé vẫn đang học và chính xác hơn là “học vẹt” từ mà không hiểu nghĩa của từ. Nhiệm vụ của phụ huynh hay giáo viên khi hướng dẫn trẻ chơi trò chơi này là giúp bé học từ mới, có kiến thức mới, rèn trí hình dung và điều khiển mắt nhanh nhạy.
2. Tìm vật, từ khác lạ trong nhóm đồ vật hoặc nhóm từ
Đây là một game khác thúc đẩy sự sáng tạo của trẻ trước tuổi đi học. Bạn có thể hướng dẫn trẻ chơi trò chơi này bất kể khi nào có tình huống thích hợp. Ví dụ, khi bạn dẫn bé đi dạo, bạn phát hiện ra một đàn vịt trắng nhưng có một con màu khác. Hãy yêu cầu bé nhìn ra phía đàn vịt và tìm điểm lạ của đàn vịt kia. Bé sẽ dễ dàng tìm ra con vịt màu khác kia. Tùy vào độ tuổi của trẻ, bạn có thể cho trẻ chơi trò tìm vật, từ khác lạ trong nhóm đồ vật hoặc nhóm từ ở các mức độ khó khác nhau. Ví dụ, khi bé tập chơi, bạn có thể cho bé đoán các đồ vật, dãy số đơn giản. Khi trẻ đã chơi lâu, bạn nên tăng dần độ khó của trò chơi lên.
3. Trò chơi với các chữ cái
Thêm một trò chơi nữa liên quan đến các chữ cái để bé nhà bạn phát triển trí tuệ và sự sáng tạo, đó là trò chơi đoán chữ cái. Khi bạn đọc một từ lên, hãy hỏi trẻ từ đó bắt đầu bằng chữ cái gì, bé sẽ đọc lại từ đó và hình dung ra chữ cái đầu tiên của từ để trả lời bạn. Để trò chơi không bị nhàm chán, bạn nên kết hợp trò chơi này với trò xếp chữ có hình minh họa. Sau khi xếp hình xong, bé sẽ đọc từ, thuộc mặt chữ và phát âm đúng các chữ cái mà bạn yêu cầu bé đọc.
4. Trò chơi với các con số
Các con số là công cụ hiệu quả để giúp trẻ rèn luyện sự thông minh và sáng tạo. Bạn nên cho trẻ chơi các trò chơi liên quan đến các con số để bé nhà bạn hứng thú với toán học. Tùy vài độ tuổi của bé, bạn có thể hướng dẫn trẻ chơi các trò chơi với các con số ở các mức độ khó khác nhau. Ví dụ, ở mức độ dễ bạn có thể cho trẻ chơi trò đếm đồ vật, con vật… ở mức độ khó hơn, bạn có kết hợp cho trẻ chơi trò ghép số và tính toán các con số với các phép tính đơn giản như cộng và trừ. 
5. Kể chuyện
Thêm một game nữa cũng không kém phần quan trọng và thú vị để thúc đẩy sự sáng tạo của trẻ trước tuổi đi học, đó là trò chơi kể chuyện. Với trò chơi này, không có con số, không phải đoán chữ cái, không phải ghép hình, nhưng thông qua các câu chuyện, trẻ sẽ phát triển óc hình dung, trí tưởng tượng qua các hình ảnh và hành động. Bên cạnh đó, bạn có thể chơi trò kể chuyện với bé. Bạn sẽ ở trong vai trò là người nghe chuyện và bé là người kể chuyện. Khi trẻ kể chuyện, đó là lúc bé rèn luyện khả năng diễn đạt qua tư duy hình ảnh, ngôn từ và trí nhớ. Đây là trò chơi không hề dễ, nhưng bằng cách trò chuyện với trẻ hàng ngày, kỹ năng diễn đạt của bé nhà bạn sẽ phát triển nhanh chóng. Nhiệm vụ của bạn là hãy kể cho bé những câu chuyện thật hấp dẫn hay lắng nghe trẻ kể chuyện thật chăm chú. Nếu trẻ không nhớ chi tiết chuyện hay gặp vấn đề với việc diễn đạt, bạn nên gợi ý để bé kể tiếp câu chuyện của mình.
Nguyễn Mai Nguồn: HP
 

Mời mẹ xem thêm:
Mẹo “độc” giúp con nhanh biết nói
Nếu không thể sinh con, mẹ hãy cứ đừng tuyệt vọng…
Nhật kí nhà 3B: Ai bảo điện thoại không tốt cho trẻ con chứ!

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.