Mơ ước của bạn là đến nước Úc xinh đẹp để du học, vậy còn chần chừ gì nữa mà không thực hiện ước mơ đó. Chúng ta cùng nhau lên kế hoạch học tập nhé!
-
1
Hệ thống giáo dục và đào tạo của Úc bao gồm 4 lãnh vực:
+ Đại học
+ Cao đẳng và chuyên nghiệp
+ Trường phổ thông
+ Các khóa huấn luyện Anh ngữ
Hệ thống định hướng học tập của Úc cho phép học sinh chuyển trường, lãnh vực giáo dục và trình độ kế tiếp một cách dễ dàng.
Khi lướt qua từng lãnh vực giáo dục, bạn sẽ thấy những thông tin có liên quan đến các loại văn bằng, thời gian khóa học, thời gian khai giảng, các điều kiện ghi danh nhập học, việc công nhận bằng cấp, các bảo đảm chất lượng cũng như các tiện nghi hàng đầu thế giới được dùng trong việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
-
2
Bạn dự định theo học ngành gì?
Các trường đại học có mở các khóa học thuộc trình độ cử nhân và sau đại học bao gồm nhiều lãnh vực như nông nghiệp, kinh doanh, kinh tế, giáo dục, khoa học môi sinh, kỹ thuật, khoa học y tế, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật tin học, luật, toán học và vi tính, y khoa, khoa học và các ngành học nghệ thuật như biểu diễn, tranh vẽ và phim ảnh.
Các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề có những khóa học mang tính thực tiễn và hướng nghiệp bao gồm các ngành kinh doanh, vi tính, tiếp thị, du lịch và chiêu đãi.
Các trường học ở Úc áp dụng một đường lối giáo dục có tính tương tác cao, qua đó học sinh được khuyến khích tham gia và phát triển các kỹ năng cá nhân cũng như sự tự tin. Tất cả các trường đều giảng dạy các bộ môn chính là Anh văn, toán, khoa học, nghệ thuật, công nghệ và ngôn ngữ. Ngoài ra, học sinh còn có thể theo học một số bộ môn đa dạng như truyền thông số, nông nghiệp, thiết kế đồ họa, âm nhạc và kế toán.
Các khóa Anh ngữ mang tính thực tế, tương tác và đáp ứng cho mọi trình độ từ vỡ lòng đến cao cấp cho đến trình độ đào tạo giảng dạy.
-
3
Trình độ bằng cấp nào thích hợp nhất cho bạn?
Hệ thống Văn Bằng Úc tức Australian Qualifications Framework (AQF) là một hệ thống quốc gia bao gồm 13 loại bằng cấp khác nhau, liên kết 4 lãnh vực giáo dục của Úc. AQF cung cấp các hướng học tập và công nhận các thành quả học tập trong quá khứ. Một khi tình trạng văn bằng được xác nhận, AQF sẽ giúp quý vị chọn khóa học thích hợp tại bất kỳ nơi nào trên nước Úc. Rất nhiều cơ sở giáo dục có các khóa học dự bị, tức là các khóa học cơ bản (foundation studies) và các khóa học chuyển tiếp (bridging), nhằm giúp du học sinh hội đủ điều kiện ghi danh nhập học tại các cơ sở giáo dục ở Úc. Ngoài ra các cơ sở này cũng có các khóa huấn luyện Anh ngữ, được khai giảng quanh năm, nhằm giúp du học sinh chuẩn bị tiếp tục con đường học vấn tại Úc.
-
4
Bạn thích học ở đâu?
Khi chọn cơ sở giáo dục, bạn có thể quan tâm đến những yếu tố có liên hệ đến cơ sở này như địa điểm và môi trường (thành thị hay nông thôn, khí hậu cũng như những sinh hoạt bên trong và ngoài khuôn viên nhà trường). Bạn có thể chọn các cơ sở giáo dục ở thành phố với môi trường thành thị hoặc tìm hiểu lối sống và cộng đồng của một trong các cơ sở giáo dục ở tỉnh lẻ.
Trong Bước Kế Tiếp, các bạn sẽ được hướng dẫn xác định vị trí cơ sở giáo dục trên bản đồ nước Úc và cung cấp những kết nối trực tiếp đến địa chỉ mạng của hầu hết các cơ sở giáo dục tại Úc.
-
5
Vấn đề tài chánh
Ða số học sinh du hoc Uc đều thuộc diện du học tự túc. Việc cho vay tiền chỉ dành riêng cho sinh viên học sinh thuộc diện thường trú mà thôi.
Bạn cần xét lại xem mình có đủ khả năng chi trả cho việc học tập tại cơ sở giáo dục đã chọn hay không. Học phí phụ thuộc vào từng cơ sở giáo dục cũng như khóa học bạn lựa chọn. Chẳng hạn như các khóa học về khoa học và y khoa đòi hỏi nhiều thời giờ trong phòng thí nghiệm và việc thực tập bao giờ cũng hao tốn hơn các khóa học về nghệ thuật. Một trong những điều kiện để được cấp chiếu khán du học là bạn phải kê khai khả năng tài chánh, và trong hầu hết mọi trường hợp, bạn phải cung cấp giấy tờ cần thiết chứng minh bạn có đủ khả năng trang trải toàn bộ hoặc một phần học phí.
Ngoài ra bạn còn phải quan tâm đến chi phí sinh hoạt hàng ngày. Nếu bạn có ý định vừa học vừa làm tại Úc thì cần nhớ rằng đây chỉ là nguồn thu nhập bổ túc chứ không phải nguồn thu nhập chính. Bạn chỉ có thể xin loại thị thực du học cho phép quý vị vừa học vừa làm sau khi đến Úc và đã bắt đầu khóa học. Tuy nhiên điều cần biết là bạn chỉ được phép làm việc với một số giờ nhất định và do đó không nên coi nguồn thu nhập như là nguồn thu nhập chính để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
-
6
Vấn đề riêng tư?
Ngoài những quan tâm về tài chánh, bạn có thể còn có những vấn đề riêng tư có ảnh hưởng đến việc chọn trường (chẳng hạn như ý kiến của bạn bè đã học tại trường này, vấn đề gần gũi bạn bè và bà con, các nhu cầu về giải trí và tôn giáo).