Cả gia đình khỏe mạnh luôn là ước mơ của các thành viên trong cùng tổ ấm. Làm thế nào để cả nhà có những thói quen tốt cho sức khỏe? Những mẹo vặt dưới đây sẽ giúp cho những gia đình trẻ có thể… “vượt lên chính mình” và biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như những người thân yêu từ những thói quen đơn giản.
-
1
Cả tuần đi làm mệt mỏi, ngày nghỉ, bạn chỉ muốn… cùng ông xã nướng thêm một chút hay cho con cái ngủ… thả ga. Thói quen này tuy mang lại sự “sung sướng nhất thời” nhưng hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của cả gia đình bạn. Ngủ dậy muộn, cơ thể thường bị rối loạn nhịp sinh học và hệ quả sẽ rất mệt mỏi sau đó. Bạn cần “phát pháo” phong trào cả nhà dậy sớm chơi đùa cùng nhau, tập các bài tập nhẹ nhàng. Để khuyến khích trẻ con tham gia, bạn hãy thưởng cho chúng những món đồ chơi dễ thương nếu chúng có thể dậy sớm vào ngày nghỉ và cùng tham gia với bố mẹ. Không nên ép buộc, la mắng trẻ vì sẽ tạo thêm tâm lý nặng nề cho gia đình.
-
2
Dậy sớm đồng nghĩa với không thức khuya. Trung bình, cơ thể một người trưởng thành phải cần từ 6 – 8 giờ để ngủ mỗi ngày, trẻ con có thể lên đến 8 – 10 giờ. Từ 1 – 3g sáng, giấc ngủ sâu là rất cần thiết vì giúp tạp ra những hoocmon giúp thư giãn tinh thần, kích thích trí não… Vì thế, dù chương trình truyền hình cáp buổi khuya có hấp dẫn đến đâu, cả gia đình bạn nên “khước từ” sự cuốn hút hại sức khỏe này. Bạn phải là tấm gương cho con và nhất là không nên có những “ngoại lệ” quá thường xuyên. Tạo thành nhịp sinh học cho cả nhà, mọi thứ sẽ từ từ đi vào… “nề nếp”.
-
3
Hạn chế tối đa việc gia đình bạn bỏ bữa sáng hoặc ăn uống không đầy đủ. Mỗi ngày, bạn nên hoạch định thời gian để cả nhà cùng có bữa sáng và bữa tối bên nhau vui vẻ, trọn vẹn. Ăn uống điều độ, dinh dưỡng tốt sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh. Những bữa cơm và thời gian sum vầy bên nhau còn là chất xúc tác để tình cảm gia đình thêm bền vững.
Bữa ăn là thời khắc quan trọng để cả gia đình quây quần bên nhau – Ảnh minh họa
-
4
Bạn có biết, 90% các bệnh phổ biến như: cảm cúm, tả, lị, thương hàn… có thể dễ dàng phòng chống chỉ với việc… thường xuyên rửa sạch tay. Vi khuẩn ở khắp mọi nơi và đều có thể ẩn chứa mầm bệnh. Vì thế, để có một môi trường sống khỏe mạnh, các gia đình cần rèn luyện thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng, các dung dịch diệt khuẩn và nước trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chạm vào thú cưng…. như một… phản xạ tự nhiên.
-
5
Sống chan hòa và gần gũi với thiên nhiên là điều nên làm kể cả khi gia đình bạn đang sống ở thành phố công nghiệp đầy khói bụi. Bạn nên nghĩ đến việc cải tạo lại không gian mở của gia đình bằng những chậu cây xanh nhỏ để lọc không khí cũng như dạy con biết yêu thiên nhiên. Bữa ăn nên có mặt của nhiều rau, củ quả đầy vitamin và khoáng chất hơn các loại thịt đỏ.
-
6
Chia sẻ công việc nhà theo kiểu: “Người nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” để cả nhà có thêm thời gian bên nhau cũng như vận động cơ thể. Như sau bữa ăn, không ai trong nhà được ngồi hay nằm liền mà phải… lao động. Bạn rửa chén, ông xã bạn kê lại bàn ghế còn bé thì lau bàn cho sạch. Sau đó, bạn sẽ đi kiểm định chất lượng. Ngày cuối tuần, cả nhà có thể cùng nhau chăm sóc luống hoa trước nhà, nấu bữa ăn đầy dinh dưỡng hay sửa sang lại đồ đạc cũ…
Cùng giúp nhau làm việc nhà, mọi thành viên sẽ có nhiều thời gian hơn – Ảnh minh họa
Điều quan trọng là cả gia đình bạn đều cùng tham gia vào dự án… “cải tạo nếp sống” với một tinh thần hăng say. Không khí gia đình vẫn là nhân tố quyết định vì sự vui vẻ có thể tạo nên cảm hứng cho các thành viên cùng chung tay xây dựng. Chúc các gia đình luôn sống vui, khỏe mỗi ngày.