Ngoài một số hành tinh có thể hỗ trợ sự sống đã được con người phát hiện, vẫn còn hàng tỷ hành tinh khác trong vũ trụ cũng có khả năng đó.
Nghiên cứu công bố cuối tháng trước trên tạp chí vật lý thiên văn Astrophysical Journal Letters cho biết, theo ước tính mới của các nhà khoa học, trong dải Ngân hà có khoảng 60 tỷ hành tinh có thể hỗ trợ sự sống. Tất cả các hành tinh này đều xoay xung quanh các ngôi sao lùn đỏ mờ nhạt.
Các đám mây có ảnh hưởng lớn đến khí hậu của trái đất và có thể với những hành tinh khác. (Ảnh: Space)
Dựa trên các dữ liệu thu thập từ tàu vũ trụ Kepler của Cơ quan Vũ trụ Hàng không Mỹ (NASA), giới khoa học dự đoán, không có hành tinh nào giống trái đất nằm trong vùng có sự sống của các ngôi sao lùn đỏ. Nhưng một nhóm chuyên gia gần đây xem xét lại và đưa ra giả thuyết, sự che phủ của những đám mây có thể giúp hình thành nên sự sống các một hành tinh khác.
Dorian Abbot, trợ lý giáo sư trong lĩnh vực khoa học địa vật lý tại trường Đại học Chicago cho biết, các đám mây gây ra hiện tượng ấm lên và cũng làm mát trái đất. Chúng phản chiếu ánh sáng mặt trời để làm mát và hấp thụ bức xạ hồng ngoại tạo nên hiệu ứng nhà kính, khiến trái đất ấm lên, nhưng tất cả đó là một phần của việc giữ cho hành tinh ổn định và duy trì sự sống.
Vùng có sự sống được xác định là khu vực trên hành tinh có nhiệt độ thích hợp để giữ nước ở dạng lỏng trên bề mặt. Nếu một hành tinh ở quá xa sao lùn đỏ thì nước sẽ đóng băng, còn ở quá gần thì nước sẽ bốc hơi, bởi sao lùn đỏ là những ngôi sao mờ, và có nhiệt độ thấp hơn mặt trời trong Hệ mặt trời.
Một ngôi sao lùn đỏ trông giống như mặt trời. (Ảnh: amazingspacepictures)
Các nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ 3D mô phỏng cách không khí và độ ẩm di chuyển trên một hành tinh có thủy triều xung quanh một ngôi sao lùn đỏ. Nhóm nghiên cứu phát hiện nước trên bề mặt sẽ thành những đám mây, tác dụng làm mát tại vùng có sự sống và duy trì được nước trên bề mặt những hành tinh đó.
Những phát hiện trên cung cấp cho các nhà khoa học cách mới để nhận diện sự có mặt của nước ở dạng lỏng trên bề mặt các hành tinh khác với kính viễn vọng không gian James Webb, một kính thiên văn vũ trụ mới sẽ được phóng vào năm 2018.
Theo VNE