7 bí quyết vàng chăm sóc cây cảnh trong mùa đông

Nhắc đến mùa đông là nhắc đến khoảng thời gian với ngày ngắn đêm dài. Khoảng thời gian mà không chỉ con người, cây cối cũng đối mặt với những thay đổi thời tiết, sự khắc nghiệt của gió, mưa giá lạnh. Để chúng luôn tươi tốt để góp phần mang sức sống cũng như không khí trong lành, ấm áp cho nhà của bạn, thì cần phải có những bí quyết chăm sóc. Nếu bạn chưa “rành” lắm về vấn đề này, hãy bớt chút thời gian tham khảo những bí quyết dưới đây để góp phần mang lại hơi thở của sức sống tràn đầy vào ngôi nhà của bạn.

1. Yếu tố ánh sáng

Thật đơn giản để nhìn nhận được rằng, vấn đề thiếu ánh sáng mặt trời trong mùa đông là vấn đề chính, cần quan tâm đặc biệt khi trong nhà bạn đang trồng rất nhiều cây cảnh. Ai cũng biết, ánh sáng mặt trời vô cùng quan trọng trong quá trình quang hợp. Cây trồng trong nhà thường được đặt ở cửa sổ, bàn ăn, ban công hay những nơi có nhiều ánh sáng mặt trời chiếu vào, để đảm bảo cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Tuy nhiên, trong những ngày mùa đông, bạn nên “chủ động” thêm bóng đèn huỳnh quang, đặt gần vị trí trồng cây cảnh, giúp bổ sung lượng sáng cần thiết để “hệ thống” cây cảnh trong nhà luôn xanh tươi.

2. Yếu tố không khí – độ ẩm

Mùa đông, ngoài yếu tố ánh sáng mặt trời, đặc trưng của không khí lạnh ở miền Bắc lại kèm theo độ ẩm thấp, là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sâu bệnh, khiến cây kém thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy, bạn cần tìm những phương án giúp tăng độ ẩm cho cây, bằng cánh phun nước dạng hơi sương cho cây cối trong nhà ít nhất 2 lần trong ngày, sáng và tối. Cách làm tuy đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả, cây cối được tăng độ ẩm, tránh tình trạng héo úa, vàng vọt, khô rễ…

Một mẹo nhỏ mang lại hiệu quả không chỉ cho cây cối mà còn cho sức khỏe của cả gia đình, đó là thêm máy tạo ẩm phun sương. Vào những ngày độ ẩm thấp, bạn có thể mang máy ra sử dụng.

3. Yếu tố nước

Khác với việc đòi hỏi cung cấp nước thường xuyên của cây cối vào mùa hè, thì mùa đông lại hạn chế hơn việc tưới nước. Tuy việc tưới tiêu giảm đáng kể nhưng không phải vì thế mà bạn quên đi công việc hàng ngày này. Một lưu ý nho nhỏ khi tưới nước cho cây, đó là tưới với lượng nước đủ để tạo độ ẩm cho đất trồng cây phía dưới, tưới nước cho cây có hoa nhiều hơn cây chỉ có mình lá. Hơn nữa, nếu như mùa hè, bạn thỏa sức tưới nước mát lạnh cho cây thì mùa đông, bạn nên sử dụng nước với nhiệt độ tương đương với nhiệt độ trong phòng, là cách để cây không bị rơi vào tình trạng “sốc nhiệt”, khiến cây yếu ớt, dễ bị sâu bệnh.

 

4. Bón phân

Bón phân theo định kỳ là công việc không cần nhắc nhở khi trồng cây cảnh, dù ở mùa nào trong năm. Tuy nhiên, trong suốt mùa đông dài lạnh giá, để những cây cảnh trong gia đình bạn đủ sức chống chọi với sâu bệnh, thời tiết thì bạn nên tăng việc bón phân nhiều hơn gấp rưỡi so với mùa hè và mùa xuân. Bón phân là cách giúp rễ cây khỏe mạnh, đủ sức mang lại sự tươi tốt cho toàn bộ thân cành lá phía trên, đặc biệt là những loại cây nở hoa. Bạn lưu ý rằng, đó là lời khuyên tuyệt vời cho những ngày bắt đầu trở lạnh. 

Đối với thời tiết đã lạnh giá, tốt nhất bạn nên cắt giảm việc bón phân, có thể bón theo định kỳ 1 tháng 1 lần. Với những loại cây có sức sống dẻo dai, có thể ngừng hoàn toàn việc bón phân. Bởi bón phân kích thích mạnh việc cây phát triển. Và chúng phát triển với tốc độ nhanh chóng trong những ngày không thuận lợi về thời tiết dễ khiến cây bị chết sau một thời gian ngắn.

5. Tìm vị trí thích hợp

Nếu như mùa hè, xuân, cây cảnh sẽ được đặt ở khung cửa sổ hay ban công, nơi có nhiều nhất nắng và gió. Mùa đông lại có chút thay đổi về vị trí. Bạn nên đặt ở bàn trà, bàn học, bàn bếp hay ở kệ trang trí, và kèm theo ánh đèn sưởi ấm cho cây. Cây cảnh không thích hợp với mưa phùn gió bấc.

Nếu vẫn thích đặt bên ô cửa sổ, bạn cần đảm bảo việc gắn đèn phía trên cửa chiếu xuống cây và đóng cửa sổ trong những ngày dự báo sẽ có gió mưa thất thường.

6. Cắt tỉa

Tùy từng loại cây cảnh, với những chậu cây nhỏ, bạn có thể dọn dẹp phía dưới gốc cây và nhặt đi những chiếc lá chuẩn bị úa vàng. Với loại cây cảnh có kích thước lớn hơn, bạn nên xem xét cắt tỉa chúng trong những ngày nắng ấm của mùa đông. Việc cắt tỉa định kỳ không chỉ giúp cây cối có kiểu dáng đẹp hơn, mà còn giúp cây phát triển an toàn, tránh được nhiều sâu bệnh trong mùa đông.

7. Xới đất

Xới đất thường xuyên, giúp rễ cây dễ thở hơn, theo đó cũng có thể giúp cây cảnh trong nhà dễ hấp thụ được phân bón, nước và không khí. Hãy dành một chút thời gian để chăm sóc cho những chậu cây trong nhà của bạn khi mùa đông đến, để cây có thể mang lại niềm vui, lan tỏa sức sống cho mọi người trong những ngày không khí ảm đạm.

 

Lục Bảo
Nguồn ảnh: Bestgardener, Rg, Universewomen
(Theo Congluan.vn)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.