Đeo niềng răng sẽ mang lại cho bạn hàm răng đều và đẹp để tự tin với nụ cười. Trước khi quyết định đeo niềng răng, bạn cần biết 7 điều sau đây.
-
1
Tại sao phải đeo niềng răng
Nắn chỉnh răng bằng phương pháp đeo niềng răng là một thủ thuật nha khoa. Chúng giúp nắn lại hàm răng và sắp xếp cho các răng thẳng, không còn xô lệch hoặc vô. Điều này sẽ giúp cho bạn có một hàm răng đẹp hơn để luôn tự tin với nụ cười của mình.
Thông thường, bạn sẽ được bác sĩ nha khoa đề nghị đeo niềng răng trong những trường hợp như: răng cong, xô lệnh, răng vô, răng không vào đúng vị trí và không khớp với xương hàm.
Đeo niềng răng sẽ giúp bạn có hàm răng đều và đẹp hơn
-
2
Khi nào thì thích hợp để niềng răng
Việc niềng răng có thể tiến hành ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, độ tuổi càng cao thì thời gian đeo niềng răng càng kéo dài. Do đó, thời điểm thích hợp nhất để thực hiện phương pháp này là từ 10 đến 14 tuổi. Bởi lúc này răng vừa đổi và miệng còn đang phát triển nên việc nắn chỉnh dễ dàng và đạt hiệu quả cao hơn. Mặc dù vậy, việc đeo niềng răng có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti và xấu hổ. Do đó phụ huynh nên thảo luận trước với con về vấn đề này.
-
3
Bạn sẽ phải đeo loại niềng răng nào?
Tùy theo mức độ và tình trạng răng của bạn, cũng như độ tuổi mà bạn tiến hành niềng răng, các bác sĩ nha khoa sẽ có lựa chọn tốt nhất dành cho bạn.
Tùy theo tình trạng của răng, bạn sẽ được nha sĩ tư vấn loại niềng răng phù hợp nhất
-
4
Thời gian đeo niềng răng là bao lâu?
Thời gian đeo niềng răng cũng phụ thuộc vào tình trạng răng và tuổi tác của bạn. Thông thường, tuổi càng cao thì thời gian đeo càng dài. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp để đạt hiệu quả tốt nhất, các bác sĩ sẽ khuyên bạn đeo niềng răng từ 18 đến 30 tháng. Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân thậm chí phải đeo niềng răng vĩnh viễn.
-
5
Việc niềng răng có gây khó chịu không?
Trong thời gian đầu khi niềng răng, các dây nối sẽ tạo ra một lực siết vào răng bạn để ép răng vào ví trí cần thiết. Điều này có thể gây cảm giác khó chịu, đau nhức trong tuần đầu tiên sau khi đeo niềng. Nhiều trường hợp, các mắc cài đeo ở răng có thể khiến môi và lợi bạn bị xước hoặc tổn thương. Tuy nhiên, điều này sẽ giảm bớt ở tuần thứ hai và khi đã hoàn toàn quen bạn sẽ không còn thấy khó chịu nữa.
-
6
Khi niềng răng, bạn cần tránh những loại thực phẩm và thói quen nào?
Khi đeo niềng răng, việc vệ sinh răng miệng sẽ phức tạp hơn, do đó bạn cần cắt giảm đồ ngọt, khoai tây chiên và soda để bảo vệ răng. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh ăn những thực phẩm cứng, dai hoặc quá giòn bởi chúng có thể làm đứt niềng răng. Bạn cần từ bỏ thói quen nhai đá, mút ngón tay, thở bằng miệng quá nhiều hoặc lấy lưỡi để đẩy răng bởi chúng có thể khiến răng bị xô trở lại.
Khi niềng răng bạn cần tránh ăn những đồ cứng, dai, hạn chế đồ ngọt và soda nhé
-
7
Chăm sóc răng mang niềng răng tại nhà như thế nào?
Sau khi đeo niềng răng, bạn phải luôn luôn chú ý việc vệ sinh cho răng. Bởi niềng răng sẽ tạo ra các khe nhỏ khiến thức ăn và mảng bám bị mắc lại. Do đó, bạn cần đánh răng thật kỹ sau mỗi lần ăn, sử dụng dụng cụ vệ sinh niềng răng và chỉ nha khoa để làm sạch. Ngoài ra, bạn nên lấy cao răng định kỳ 6 tháng 1 lần để giữ cho răng và nướu khỏe mạnh.
Luôn nhớ vệ sinh răng miệng thật kỹ khi đeo niềng răng bạn nhé