Tiêm chủng có vai trò rất quan trọng đối với trẻ, nhưng những cơn đau sau khi tiêm chủng có thể khiến bé khó chịu trong thời gian dài. Tuy nhiên, có rất nhiều cách bạn có thể làm để giúp bé dễ chịu hơn sau khi tiêm phòng.
1. Chườm túi nước đá lên chỗ tiêm
Ngay sau khi bé được tiêm chủng, chỗ tiêm có thể sưng lên gây đau và khó chịu. Để giảm đau, bạn nên lấy 1 túi đá chườm nhẹ nhàng lên. Điều này sẽ giúp bé hết đau và làm dịu vết tấy. Để thực hiện đúng cách, đầu tiên bạn chà đá lên lòng bàn tay của mình, sau đó vỗ nhẹ vào chỗ tiêm của bé. Khi bé cảm thấy thoải mái hơn với cảm giác lạnh thì đặt đá trong 1 miếng vải sạch và chườm lên khu vực tiêm. Thực hiện ít nhất 2-3 lần trong ngày.
2. Đừng băn khoăn khi bé bị sốt
Việc bé bị sốt sau khi tiêm phòng khá phổ biến và bé sẽ hạ sốt trong vòng 1-2 ngày. Nếu lo lắng hoặc bé sốt cao, hãy đến gặp bác sĩ để được kê đúng loại thuốc cho bé uống.
3. Thuốc giảm đau
Nếu bạn nhận thấy bé bị đau đến mức cáu kỉnh và không ăn uống, hãy thử cho bé uống thuốc giảm đau. Nhưng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ kê toa thuốc paracetamol để xoa dịu những cơn đau. Nhưng hãy nhớ đừng lạm dụng nó hoặc dùng vượt quá số lượng, liều lượng quy định của bác sĩ.
4. Chú ý đến con nhiều hơn
Ít nhất trong 1-2 ngày sau khi tiêm, bạn cần thường xuyên chú ý đến con. Nếu em bé còn quá nhỏ hoặc dưới 6 tháng tuổi, bạn nên thường xuyên bế bé để có sự tiếp xúc da với da, giúp bé cảm thấy thoải mái.
5. Bú sữa mẹ thường xuyên hơn
Bé có thể thèm ăn sau khi tiêm. Việc mất nước cùng với sốt nhẹ sau khi tiêm sẽ không tốt cho bé. Do đó hãy cho bé bú sữa nhiều hơn. Nếu bé đã cai sữa, bạn có thể bổ sung chất lỏng cùng với một số các bữa ăn nhẹ cho bé.
6. Đánh lạc hướng
Bế trẻ vào lòng và cố gắng kể những câu chuyện, hát cho bé hoặc cho bé chơi với các món đồ chơi yêu thích của mình cũng là những cách giúp bé quên đi cái đau sau khi tiêm.
7. Đừng ép buộc bé phải đi bộ hoặc di chuyển
Hầu hết các mũi tiêm phòng thường được tiêm trên đùi, ngoại trừ tiêm phòng lao BCG được tiêm trên cánh tay. Điều này sẽ làm cho khu vực trên đùi trên của bé sưng lên và đau, gây khó khăn di chuyển. Do đó, bạn đừng ép buộc bé phải đi lại quá nhiều, hãy cho bé vài ngày nghỉ ngơi đến khi hết đau.
Thụy Du – (Dịch theo THS)
Mời mẹ theo dõi thêm:
- Những hoạt động cực kì tốt cho bé sơ sinh
- Những khoảnh khắc bố bên con giản dị, nhẹ nhàng nhưng đầy xúc cảm
- Vợ “Giáo sư Xoay” chia sẻ kinh nghiệm trị tắc tia sữa cực hay!
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.