7 sự thật phũ phàng đằng sau những lời quảng cáo có cánh

0
105
7 sự thật phũ phàng đằng sau những lời quảng cáo có cánh

Bạn có để ý rằng hầu hết các sản phẩm hóa mỹ phẩm trong gia đình bạn đều được gắn mác “được kiểm định” hay “khuyên dùng bởi các bác sĩ”? Nhưng đằng sau những lời quảng cáo bùi tai đó, có bao nhiêu phần trăm là sự thật?

Sư thật gây sốc đằng sau các màn quảng cáo

Trong một thế giới mênh mông của các sản phẩm cấu thành từ hóa chất mà con người không thể sống thiếu hiện nay, gần như là bất khả thi để có thể truy ra gốc rễ của những thứ bạn đang hàng ngày nạp vào cơ thể. Dưới đây là một vài sự thật khá phũ phàng ẩn sau những lời quảng cáo mỹ miều in trên bao bì các sản phẩm đó. Một vài cụm từ có thể đã quá quen thuộc với bạn, nhưng liệu rằng bạn đã hiểu đúng và đủ về chúng chưa?

1. “Được chứng minh lâm sàng”

7 sự thật phũ phàng đằng sau những lời quảng cáo có cánh

Nghe có vẻ như sản phẩm này đã phải trải qua một quy trình thử nghiệm kéo dài trên người hết sức gắt gao trước khi được chính thức có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, thực chất cụm từ này đơn thuần chỉ để mô tả quá trình dùng thử sản phẩm của 1 đến hàng triệu người do hãng sản xuất chịu trách nhiệm. Giáo sư khoa học polymer Robert Lochhead tại Đại học Nam Mississippi tiết lộ, “Được chứng minh lâm sàng có nghĩa là một người dùng thử sản phẩm và xác nhận sản phẩm… không gây hại”.

2. “Chỉ số SPF” (ở những sản phẩm không dùng để chống nắng)

7 sự thật phũ phàng đằng sau những lời quảng cáo có cánh

Nghe có vẻ như làn da của bạn sẽ hoàn toàn “vô sự” dưới ánh nắng chói chang của mặt trời nhờ chỉ số SPF trong sản phẩm này? Khoan đã, dường như bạn đang hơi chủ quan. Chỉ số SPF trong các sản phẩm không phải kem chống nắng luôn thường rất nhỏ, chỉ dao động từ SPF 5 – 25. Về bản chất, những con số này chỉ có chức năng bảo vệ sản phẩm đó khỏi các tác động của môi trường bên ngoài, điển hình là ánh sáng mặt trời rất dễ làm hỏng hoặc biến chất sản phẩm.

Rõ ràng chúng không dùng để bảo vệ da bạn. Vì vậy, đừng tặc lưỡi bỏ qua bước bôi kem chống nắng vô cùng bản lề mỗi lần ra khỏi nhà, cho dù sau đó bạn có trang điểm kỹ càng cỡ nào đi chăng nữa.

3. “Thành phần trị mụn”

7 sự thật phũ phàng đằng sau những lời quảng cáo có cánh

Da mặt dầu và mụn của tôi sẽ sớm cải thiện nhờ các sản phẩm đặc trị này? Thực chất, những loại mỹ phẩm có tác dụng ngăn ngừa và điều trị mụn – dù tác động ít hay nhiều – cũng sẽ được liệt kê vào hạng mục dược phẩm. Với mục đích gì? Đơn giản chỉ để nhằm giúp các cơ quan quản lý kiểm soát chính xác và chặt chẽ hơn so với các loại mỹ phẩm thông thường khác.

4. “Làm trắng siêu tốc”

7 sự thật phũ phàng đằng sau những lời quảng cáo có cánh

Có vẻ hàm răng của bạn sẽ ngay lập tức trở nên trắng bóc và nụ cười sẽ ngày một rạng rỡ? Về bản chất, kem đánh răng cũng là một loại dược phẩm bởi chứa hàm lượng sodium fluoride hoặc stannous fluoride khá cao. Các hợp chất này có tác dụng chủ yếu trong việc phòng ngừa hiện tượng sâu răng. Còn trắng răng ư? Hiện tại, hầu như vẫn chưa có chất hóa học nào đủ an toàn để đưa vào kem đánh răng với liều lượng đủ để làm trắng mà không làm tổn hại men răng.

5. “Được các bác sĩ khuyên dùng”

7 sự thật phũ phàng đằng sau những lời quảng cáo có cánh

Có thật là tất cả các bác sĩ da liễu trên thế giới đều tin tưởng sản phẩm này? Liệu những người mặc áo trắng trong các đoạn quảng cáo đó có thật sự đáng tin? Với các sản phẩm dầu gội trị gàu – cũng là một loại dược phẩm – dòng chữ này chỉ đơn thuần là để kiểm chứng độ kích ứng của sản phẩm có nằm trong giới hạn cho phép hay không. Còn hiệu quả thì chắc… có trời mới biết! Tương tự, với các sản phẩm xà phòng diệt khuẩn hay kem đánh răng, lời khẳng định đầy hùng hồn này có vẻ không hề có sức nặng.

6. “Diệt 99,9% vi khuẩn trong 10 giây”

Thừa nhận đi, những đoạn quảng cáo sống động trên TV đã phần nào thuyết phục được bạn? Hãy thực tế lên: Thông thường, các loại xà phòng diệt khuẩn đều chứa hàm lượng triclosan (hợp chất diệt khuẩn) nhất định. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy chất triclosan có trong xà phòng kháng khuẩn có nhiều lợi ích hơn các xà phòng thường. Như vậy, nói xà phòng diệt khuẩn có thể giúp loại bỏ tới 99,9% so với xà phòng thường – được công nhận bởi một viện kiểm nghiệm quốc tế… vô danh – như trong quảng cáo là hoàn toàn vô căn cứ.

7 sự thật phũ phàng đằng sau những lời quảng cáo có cánh

Hơn nữa, theo chuyên gia, kết luận rửa tay sạch hết vi khuẩn trong 10 giây như quảng cáo là vô cùng… phản khoa học. Bởi như bài học đầu tiên của bộ môn “Sức khỏe”, các em nhỏ đã được dạy phải rửa tay sạch với xà phòng trong ít nhất là 1 phút, theo đúng chuẩn quy cách của Bộ Y tế. Trừ trường hợp sát khuẩn nhanh bằng cồn 70 độ hoặc các chế phẩm tương đương, tất cả các loại xà phòng – kể cả xà phòng diệt khuẩn – đều trở nên vô dụng nếu không được sử dụng đúng cách. Chưa kể rửa tay không kỹ còn khiến vi khuẩn thích ứng với các thành phần kháng khuẩn trong xà phòng, làm tăng khả năng kháng cự, gây khó khăn cho việc điều trị nhiễm khuẩn. Và về cơ bản, rửa tay không sạch khi dùng xà phòng kháng khuẩn sẽ gây hại khôn lường đến sức khỏe người tiêu dùng. Suốt 20 năm qua, số sản phẩm chứa hóa chất kháng khuẩn đã tăng vọt tại Mỹ. Hệ quả là 3/4 dân số Mỹ hiện nay có các hóa chất này trong nước tiểu.

7. “Hoàn toàn tự nhiên”

Khi đã quá chán ngán với hàng đống hóa chất độc hại từ các sản phẩm nói trên, chắc hẳn bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng tìm được một sản phẩm gần gũi với thiên nhiên nhất, nhờ dòng chữ này trên bao bì.

Nhưng đợi đã! Cái mác “tự nhiên” hay “từ thiên nhiên” đó liệu có đáng tin? Thực chất, từ này là nhằm thông báo sản phẩm này chưa từng trải qua bất kỳ quá trình kiểm nghiệm bằng hóa học nào. Ngoài ra, những sản phẩm “tự nhiên” thường có tuổi thọ ngắn bởi không có sự can thiệp của các hóa chất bảo quản, nhờ vậy dễ có nguy cơ trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi.

7 sự thật phũ phàng đằng sau những lời quảng cáo có cánh

Bộ Nông nghiệp Mỹ đã khuyến cáo, từ này chỉ nên được dùng cho các sản phẩm trứng hoặc thịt tươi. Điều đó có nghĩa, bên trong miếng thịt đó không có bất cứ một thành phần tẩm ướp nào khác ngoài… thịt. Nhưng hãy thử nghĩ xem, 100% thịt liệu đã đủ an tâm? Liệu miếng thịt đó đến từ đàn bò được nuôi thả khỏe mạnh trong trang trại hay từ những con bò được nuôi bằng… kháng sinh?

Hay một ví dụ khác, nhiều sản phẩm snack hay đồ ăn nhanh thường được dán nhãn “Hoàn toàn tự nhiên” khi nhà sản xuất khéo léo lách luật bằng những cụm từ “không chất bảo quản” hay “không chất tạo mùi, tạo màu”. Nhưng thực chất, ai cũng biết rằng những miếng snack hay gà rán đó hoàn toàn chẳng tốt lành gì với vô số chất béo chuyển hóa (Trans fat) cực kỳ có hại cho sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh tim mạch, tiểu đường và thậm chí trầm cảm.

 

Theo Trí Thức Trẻ