“Ki bo, vắt cổ chày ra nước, ngân hàng gửi vào thì dễ mà rút ra thì khó”… người ta có rất nhiều cách nói để chỉ việc phụ nữ quản lý đồng tiền như vậy. Thực tế làm gì có ai muốn mình ki bo, chỉ vì phụ nữ là người chủ gia đình, là tay hòm chìa khóa thì chi tiêu gì cũng phải tính toán mà thôi. Thế nhưng, có điều bạn không nhận ra đó là đôi khi tính toán nhiều quá rốt cuộc hóa ra lại hoàn toàn phản tác dụng.
-
1
Gục ngã trước hàng “sale”
Một chiếc áo khoác chỉ 200 nghìn trong khi giá bán bình thường là 500 nghìn quả là một món hời – nhưng chỉ khi bạn đã định chi ra 500 nghìn cho một chiếc áo. Còn nếu bạn mua vì bị lôi kéo, hấp dẫn, bởi những lời mời chào thì việc mua bán này chỉ đơn giản có nghĩa là bạn vừa bỏ ra 200 nghìn mà thôi.
Đừng để cho những chiếc phiếu giảm giá, những chương trình khuyến mãi đặc biệt khiến bạn phải tiêu nhiều hơn dự định mà vẫn nghĩ rằng mình đang tiết kiệm được tiền. Và bạn càng cần lưu ý điều này khi lượn lờ trên những trang bán hàng hạn chế thời gian – sự hạn chế thời gian này sẽ lôi kéo, hối thúc khách hàng phải lập tức đưa ra một quyết định chớp nhoáng mà có thể sẽ phải hối hận về sau.
-
2
Mua hàng giá rẻ
Có những món hàng không đắt, và có những món hàng rẻ rề. Mua những thứ rẻ gần như cho không hẳn là việc không tốt, nhưng nếu bạn dự định dùng những món đồ trong thời gian dài, hãy quan tâm thêm đến chất lượng của chúng.
Thật ra, để biết thật sự là rẻ hay là không, bạn hãy thử tính toán chi phí của mỗi lần sử dụng. Khi tính như vậy, bạn có thể giật mình thấy rằng chiếc áo xoàng xoàng mua ít tiền nhưng dùng chưa được vài lần đã xuống nước, sờn rách, hay đơn giản là bạn không muốn mặc nó nữa thật ra chẳng rẻ hơn nhiều so với chiếc áo mua trong tiệm uy tín, đắt tiền hơn nhưng mặc bền hơn và thích hơn. Hãy tính đến cái lợi lâu dài để đầu tư nếu thật sự muốn tiết kiệm, bạn nhé!
-
3
Đồng thời giải quyết nhiều khoản nợ
Khi có nhiều khoản nợ phải trả, bạn rất có thể sẽ bị chia trí, lúc nào cũng trong trạng thái điên cuồng vì lo cho tất cả các khoản nợ đó. Ừ, tất nhiên bạn phải lo chứ, nghĩa vụ của bạn mà. Nhưng, bằng việc chia nhỏ tiền của mình để trả từng chút một cho từng khoản nợ, có thể bạn đang tự kéo dài thêm thời gian phải trả nợ cũng như khoản tiền mình phải trả đó.
Một lần nữa khẳng định rằng: đã nợ thì phải trả! Nhưng việc trước hết bạn cần làm là phân tích và sắp xếp thứ tự ưu tiên. Có những khoản nợ sinh lãi suất cao hơn hay có những điều kiện kèm theo, những hệ lụy có thể phát sinh gây rắc rối hơn… đây có thể gọi là những khoản nợ “độc hại”. Và bạn nên tập trung cho chúng trước tiên, hoặc ít nhất cũng để số tiền dành lo cho chúng chiếm tỷ lệ cao hơn so với những khoản nợ khác.
-
4
Trả nợ ít một, ít một
Việc đặt ưu tiên và tập trung cho từng khoản nợ một sẽ cùng lúc góp phần giúp bạn tránh khỏi một sai lầm thường gặp khác: đặt mức trả nợ thật ít trong mỗi tháng. Tuy làm như vậy giúp bạn còn nhiều tiền hơn cho các việc khác, nhưng đây chỉ là “sự giàu có” ngắn hạn vì bạn rốt cuộc sẽ phải trả khoản tiền tổng cộng lớn hơn nhiều. Dễ hiểu thôi, đúng không nào, bạn cứ thử nhân lãi suất và số tháng bạn phải tiếp tục trả tiền mà xem.
-
5
Từ chối bảo hiểm
Nhiều người cho rằng đóng tiền bảo hiểm là một trong những việc làm lãng phí – tháng nào cũng đều đặn bị mất một khoản tiền, và chẳng ai mong đến lúc có thể nhận lại được khoản tiền đó. Mà bảo hiểm thì gồm những gì? Thôi thì đủ thứ trên đời: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm thú cưng…
Bạn rất dễ có thôi thúc tiết kiệm tiền ngắn hạn bằng cách bỏ qua chừng đó thứ (số tiền phải đóng tính ra cũng không ít thật). Tất nhiên, có những loại bảo hiểm không phù hợp với bạn, nhưng nếu bạn bỏ qua những loại cần thiết (như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ – đặc biệt khi bạn là một trong những lao động chính của gia đình…) thì sau này có thể sẽ phải đau đầu nhiều. Chẳng hạn nếu không may phải nằm viện, bạn nghĩ mình sẽ cần chuẩn bị khoản tiền bao nhiêu? Hãy nghiêm túc cân nhắc và chọn lựa loại bảo hiểm phù hợp để giúp bạn yên tâm hơn, san sẻ bớt những gánh nặng trên vai mình.
Cũng gần gần với việc mua bảo hiểm đó là viết di chúc. Nói ra thì có vẻ xui xẻo, nhưng khi đã có con thì bạn nên bắt đầu viết di chúc và định kỳ cập nhật nó, để chẳng may bạn có gặp phải chuyện gì thì gia đình sẽ bớt được một phần xáo xào và đảm bảo được phần nào cho cuộc sống của con mình.
-
6
Không tiết kiệm và đầu tư cho tương lai
Sống cho hiện tại, đúng vậy, nhưng nếu bạn không nghĩ đến tương lai thì gay go to. Một ít tiền mỗi tháng có thể đủ cho bạn ăn một bữa ngon, hay mua một bộ đồ mới, nhưng nếu bạn nhịn một chút để thay vì đó tiết kiệm (hoặc tiết kiệm đầu tư, nếu bạn nhạy bén hơn) thì về già, bạn sẽ có thể hưởng thụ thoải mái hơn nhiều. Tích lũy để cả khi về hưu, dù không còn đi làm nữa nhưng vẫn có thể chủ động cuộc sống của mình là điều bạn mong muốn đúng không?
-
7
Chọn đồ hộp, thực phẩm đóng gói sẵn
Thức ăn nhanh có vẻ rẻ hơn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng vì sao trên thế giới hiện nay lại có rất nhiều phong trào khuyến khích mọi người ăn chậm hơn, và lựa chọn thực phẩm hữu cơ, cầu kỳ hơn… Và bạn đã bao giờ nghe mẹ mình nói rằng “hãy ăn đi, ăn cho khỏe người, không cẩn thận lại đổ bệnh ra thì tiền ăn có bõ bèn gì so với tiền thuốc”?
Một cái đùi gà chiên đẫm dầu, một chiếc burger phô mai to hụ, hay một tô mỳ gói ăn cho qua bữa ngon biết bao, lại còn tiết kiệm cho bạn thời gian chế biến và tưởng như tiết kiệm cả tiền nữa, nhưng về lâu dài có thể gây nên nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim, tiểu đường… Chúng ta đã đến lúc phải luôn nhớ rằng sức khỏe quý giá vô cùng, và bắt đầu chăm sóc bản thân tốt hơn ngay từ bây giờ chính là cách tuyệt vời để tiết kiệm cho tương lai!