Nhiều phụ nữ có thai nghĩ rằng mình cần phải ăn cho cả mẹ và con nên họ nạp vào cơ thể một lượng dinh dưỡng nhiều quá mức nhưng không hợp lý. Một số người cũng bỏ qua việc tìm hiểu các phương pháp sinh, hoặc không học qua lớp học tiền sản. Đây chỉ là 3 trong số 8 lỗi các bà bầu thường hay mắc nhất mà thôi, hãy xem mẹ còn mắc bao nhiêu lỗi dưới đây nữa nhé:
1. Ăn cho cả 2
Nhu cầu calo hàng ngày của bạn từ 1800 – 2000 calo. Bạn có thực sự nghĩ rằng bào thai nhỏ bé của bạn sẽ cần lượng calo mỗi ngày nhiều như bạn để lớn và phát triển? Câu trả lời là không. Điều em bé của bạn cần là một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng thay vì lượng calo cao. Cụ thể, bạn chỉ cần nhiều hơn 300 calo mỗi ngày so với bình thường trong suốt thai kỳ của mình. Hơn nữa, hãy nhớ rằng việc thừa cân của bạn trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ các bệnh như tiền sản giật và tiểu đường, và bạn có khả năng phải đẻ mổ. Thậm chí, một chế độ ăn thừa calo và không hợp lý có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác sau sinh của mẹ.
Việc cần làm: Bạn cần kiểm tra lại chế độ dinh dưỡng của mình. Hãy dùng 3 khẩu phần trái cây hàng ngày và tăng cường ăn các loại rau xanh, các loại hạt và trứng. Các bữa ăn của bạn cũng nên được chia ra thành 6 bữa nhỏ một ngày và hãy uống thêm nhiều nước nữa.
2. Tự uống thuốc
Các bà bầu không nên tự uống thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc như kháng sinh, paracetamol và thậm chí là thuốc trị mụn cũng thường chống chỉ định cho các bà bầu. Tác dụng phụ của các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến thai kỳ của bạn, gây ra các dị tật thai nhi và khiến bà bầu dễ sinh non.
Việc cần làm: Hạn chế sử dụng thuốc, mỹ phẩm, chất tẩy rửa và các loại chất hóa học độc hại khác trong suốt thời kỳ mang thai. Không sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.
3. Ngủ ít
Sự thay đổi hoóc-môn trong quá trình mang thai khiến bạn luôn cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi. Cơ thể bạn lúc này cần được nghỉ ngơi với một chế độ đặc biệt. Nếu bạn không đảm bảo nghỉ ngơi đủ và đúng cách, sức khỏe của cả bạn và em bé sẽ bị ảnh hưởng.
Việc cần làm: Bạn cần ngủ nghỉ bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi, đặc biệt là không nên bỏ ngủ trưa và thức quá khuya.
4. Không trò chuyện với con
Dù em bé không thể hiểu được những gì bạn nói, nhưng bắt đầu từ tuần thứ 24, khi thai nhi nặng hơn 600g, tai trong của bé đã phát triển đầy đủ và có thể phản hồi với các âm thanh bằng cách tăng nhịp tim hoặc cử động. Để kích thích phản xạ của bé và tạo sự gắn kết giữa mẹ và con, các mẹ nên trò chuyện với con hàng ngày.
Việc cần làm: Hãy đặt tay lên bụng, xoa bụng nhẹ nhàng và nói chuyện to để bé làm quen với giọng của mẹ.
5. Kiêng ăn
Có hàng trăm các loại món ăn mà các bà bầu nghĩ rằng phải kiêng khem trong suốt 9 tháng thai kỳ. Thực tế, các mẹ có nhất thiết phải “cự tuyệt” với chúng không trong khi chúng là các món khoái khẩu của nhiều người? Hơn nữa, các bà bầu cũng cần xác minh rõ nguồn thông tin khuyến cáo trước khi cho rằng chúng không tốt cho bà bầu. Và liều lượng các món ăn đó cũng là vấn đề. Ví dụ, nếu bạn thèm ăn sô-cô-la, ăn một vài mẩu nhỏ cũng không có vấn đề gì. Nếu bạn thèm ăn đồ cay nóng, bạn cũng có thể nếm vài một vài miếng mà không sợ bị ảnh hưởng đến thai nhi. Chung quy lại, nếu bạn kiêng quá nhiều và chẳng thể cho gì vào bụng, sức khỏe của bạn và con chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Như thế chẳng phải là còn tệ hại hơn là không kiêng khem hay sao?
Việc cần làm: Bạn có thể ăn những gì bạn thích trong suốt thai kỳ. Với những loại thực phẩm được khuyến cáo là không tốt cho bà bầu, bạn cần kiểm định độ chính xác của thông tin trước.
6. Không tập thể dục
Vận động cơ thể là việc làm cần thiết để duy trì sức khỏe của bà bầu trong suốt 9 tháng thai kỳ. Thực tế, thể dục chỉ là cách gọi chung cho các hoạt động thể chất. Do đó, bạn có thể vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập các bài tập tại nhà với tạ tay, dây chun và bóng hơi.
Việc cần làm: Hãy tham gia một lớp thể dục dành cho bà bầu hoặc tự tập chúng ở nhà với video hướng dẫn.
7. Không tìm hiểu các phương pháp sinh
Bạn có biết rằng bạn có thể lựa chọn các phương pháp sinh phù hợp với tình trạng cơ thể và thai nhi? Ví dụ, bạn có thể lựa chọn giữa việc đẻ thường, đẻ mổ và đẻ dưới nước.
Việc cần làm: Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn cách sinh an toàn và phù hợp. Thông thường, các trường hợp thai to, thai ngôi mông, dây rốn quấn cổ,… và trường hợp khẩn cấp sẽ được chỉ định sinh bằng phương pháp mổ đẻ.
8. Không tham gia lớp học tiền sản
Tham gia một lớp học tiền sản rất hữu ích cho các bà bầu. Bạn sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng làm mẹ. Nhờ vậy, bạn sẽ chủ động hơn trong việc chăm sóc con, cũng như giải quyết các tình huống mà mình chưa có kinh nghiệm trước đó.
Việc cần làm: Hãy đăng ký một khóa học tiền sản ở gần nhà bạn nhất, hoặc một khóa học online, hoặc đọc các loại sách, báo và tài liệu về những điều cần biết để chăm sóc trẻ sơ sinh.
Nguyễn Mai – Nguồn: THS
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.