Thận là cơ quan quan trọng của cơ thể. Chức năng của thận là lọc máu, sản sinh hoóc-môn, hấp thụ khoáng chất, trung hòa axit trong cơ thể, bài tiết nước tiểu, đào thải chất độc và nước thừa ra ngoài ở thể. Nếu thận của bạn hoạt động kém, sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp với nhiều biểu hiện như da mọc mụn, nước tiểu có màu, sỏi thận và nhiều bệnh về thận và chức năng cơ thể khác liên quan.
1. Không uống đủ nước
Thận của bạn cần một lượng nước nhất định để lọc chất độc ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu. Nếu bạn không uống đủ nước, điều đó ảnh hưởng đến chất lượng bài tiết chất độc của thận. Chất độc sẽ tồn đọng lại trong cơ thể bạn khiến bạn bị nóng trong, mụn nhọt và ăn uống kém.
2. Nhịn tiểu
Bạn không nên nhịn tiểu, bởi nhịn tiểu quá lâu có thể gây hại thận do bọng đái bị chèn ép. Hơn nữa, khi bạn nhịn tiểu, vi khuẩn sẽ có nhiều cơ hội để sản sinh trong nước tiểu gây ra các bệnh như viêm cầu thận hay viêm đường tiết niệu.
3. Ăn nhiều muối
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh thận và các bệnh về tim mạch. Giảm ăn khoảng 5 – 10g muối mỗi ngày có thể giúp bạn giảm bài tiết đạm qua nước tiểu khoảng 19,4%. Thực tế, chúng ta thường tiêu thụ lượng muối cao hơn nhu cầu cơ thể cần, do đó thận phải làm việc nhiều hơn để đào thải lượng muối dư thừa đi qua thận. Theo khuyến cáo, bạn không nên ăn quá 5g muối mỗi ngày.
4. Sử dụng thuốc giảm đau lâu và quá liều
Bên cạnh việc sử dụng quá nhiều muối trong khẩu phần ăn, bạn cũng nên chú ý đến việc điều trị bệnh có liên quan đến các loại thuốc giảm đau bởi chúng có liên quan đến sức khỏe thận của bạn. Cụ thể, thuốc giảm đau có thể khiến thận bạn bị suy, giảm lưu thông máu và liên quan đến bệnh thận mãn tính.
5. Uống nhiều cà phê
Đây là tin xấu cho những người nghiện cà phê. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, uống nhiều cà phê có liên quan đến bệnh sỏi thận. Sỏi thận được hình thành từ 2 thành phần hóa học chính là oxalate và canxi, trong khi đó cà phê làm tăng lượng canxi bài tiết qua nước tiểu, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí sức khỏe Journal of Urology vào tháng 8 năm 2004.
Tuy nhiên, uống một lượng caffeine vừa phải mỗi ngày, bạn không cần phải lo lắng về sức khỏe thận của bạn, ví dụ như uống từ 1 đến 2 cốc cà phê hay 3 cốc trà mỗi ngày. Bên cạnh đó, để phòng tránh các bệnh về thận, bạn nên hạn chế ăn và uống các loại thực phẩm chứa nhiều caffeine khác như sô cô la, bột cacao, nước ngọt, các loại nước uống năng lượng và một vài loại thuốc giảm đau.
6. Thực đơn nhiều đạm
Một trong những vai trò quan trọng của thận là chuyển hóa và bài tiết nitơ trong các thức ăn giàu đạm. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên tiêu thụ một lượng lớn thức ăn chứa nhiều đạm thì thận của bạn sẽ phải hoạt động quá tải trong quá trình bài tiết. Điều này làm tăng áp lực cho cầu thận và dẫn đến nhiều vấn đề về thận. Để giảm tải áp lực cho thận, bạn nên hạn chế ăn các loại thịt đỏ và bổ sung đạm thực vật trong các bữa ăn hàng ngày.
7. Uống nhiều rượu
Uống một lượng rượu vừa phải đều đặn hàng ngày có thể tốt với sức khỏe của bạn, tùy thuộc vào loại rượu và cách bạn uống. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều rượu và uống rượu có nhiều cồn thường không tốt cho thận. Giống như muối hay các chất khác gây áp lực bài tiết cho thận, cồn có thể làm chức năng thận của bạn bị suy giảm nhanh, dẫn đến các bệnh về thận và cao huyết áp, gan và sức khỏe nói chung.
8. Hút thuốc
Theo các trung tâm phòng và kiểm soát bệnh, hút thuốc gây hại cho tất cả các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả thận. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hút thuốc có liên quan đến bệnh thận bằng cách làm chậm lưu thông máu tới các cơ quan chức năng khác của cơ thể.
Nguyễn Mai – Nguồn: HD