Kiếm được nhiều hơn tiêu, dành tiền cho bảo hiểm… là những quy tắc ai cũng nên biết về tiền.
1. Cần phải kiếm được nhiều hơn tiêu
Về cơ bản, cuối ngày bạn phải cố gắng kiếm ra nhiều tiền hơn số đã chi tiêu trước đó, như thế mới có thể chắc chắn cho những khoản thanh toán tiếp theo. Tất nhiên, những khoản vay ngắn hạn hay thẻ ghi nợ có thể giúp bạn tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng nó không phải là biện pháp an toàn và có thể sử dụng trong lâu dài.
2. Tiết kiệm tiền càng sớm, càng được nhiều
Đương nhiên, việc tiết kiệm càng sớm, khối tài sản sẽ càng gia tăng.
3. Càng rủi ro, càng có lợi nhuận lớn
Nếu bạn muốn gửi khoản tiết kiệm ngắn hạn của mình ở một chỗ an toàn như tài khoản ngân hàng, bạn đã đánh đổi khả năng thu lời cao của khoản tiền đó. Còn nếu bạn chấp nhận rủi ro và đầu tư vào chứng khoán, bạn sẽ kiếm được nhiều hơn trong dài hạn.
Đó là lý do tại sao tiền tiết kiệm ngắn hạn nên đưa vào ngân hàng hoặc các khoản đầu tư mang tính an toàn đồng nghĩa với lãi suất thấp, và chứng khoán mang tính rủi ro cao hơn (theo danh mục đầu tư) thường là lựa chọn cho các khoản tiết kiệm dài hạn.
4. Sử dụng tiền một cách linh hoạt
Người Mỹ có câu châm ngôn: “Đừng bao giờ để tất cả số trứng bạn có vào cùng một rổ”. Đối với tiền cũng vậy, càng linh hoạt, đa dạng cách đầu tư hay cất giữ càng bớt rủi ro.
5. Cảnh giác và thận trọng trước mọi quyết định đầu tư
Việc nhận diện được những “kẻ trộm”, đối tác làm ăn có mưu đồ bất chính… là cách đơn giản nhất giúp bạn tránh được rủi do trong kinh doanh, từ đó bảo toàn được số tiền của mình. Ngoài ra, những việc như xem lại hóa đơn thanh toán qua thẻ ngân hàng hàng tháng hay tất cả những khoản chi tiêu trước đó sẽ giúp bạn tránh được những “kẻ trộm” vô hình.
6. Dành một khoản tiền cho bảo hiểm
Nhiều người tự cho rằng họ lạc quan vào cuộc sống trước mắt và không cần tiêu tốn bất cứ một xu nào cho bảo hiểm. Trên thực tế, quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Cuộc sống của bạn sẽ “dễ thở” hơn khi đã được bảo đảm an toàn về sức khỏe, nhà cửa…
7. Có một khoản tiết kiệm tự động
Việc hàng tháng bạn cho phép ngân hàng trích một số tiền nhất định để cho vào tài khoản tiết kiệm không chỉ giúp bạn không phải lo nghĩ về việc nên gửi hay không mà còn đảm bảo việc bạn luôn có một khoản tiết kiệm “phòng thân”.
8. Tối thiểu hóa các khoản nợ
Nợ không hoàn toàn xấu, nó có thể giúp bạn đầu tư sinh lời hay cho những chi tiêu gấp mà bạn chưa đủ tiền. Tuy nhiên, sẽ là cả một vấn đề nếu như khoản nợ của bạn ngày càng phình to lên, thậm chí đến mức mất kiểm soát.
9. Không bao giờ ngừng học
Ngành công nghiệp tài chính thay đổi hàng ngày với các sản phẩm mới, phí dịch vụ mới và rất nhiều phương thức mới để tiết kiệm và tiêu tiền. Do vậy, để chắc chắn bạn có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nhất cho vấn đề tài chính của chính mình, bạn nên đọc tin tức, sách báo và học hỏi hàng ngày.