9 quy tắc cần nhớ để tăng cảm giác rộng thoáng cho nhà hẹp

0
114
>> Giải pháp cho không gian nhỏ
Để không gian có cảm giác như tăng thêm diện tích, thông thường mọi người sẽ sử dụng quy tắc “lối mòn”, đó là sơn nhà và chọn nội thất màu trắng, hoặc sử dụng nội thất trong suốt, gương nhân đôi không gian. .. Tuy nhiên, còn rất nhiều cách để không gian hẹp trở thành tổ ấm cho mỗi người. Hãy cùng Em đẹp khám phá và áp dụng ngay những quy tắc đơn giản, nhằm cải thiện không gian sống cũng như chất lượng sống của gia đình.
1. Ánh sáng có thể tạo nên điều kỳ diệu
Ai cũng biết rằng ánh sáng có một sức mạnh vô cùng to lớn trong việc mở rộng cũng như làm đẹp không gian. Với những không gian hẹp, thì ánh sáng lại càng là yếu tố không thể thiếu, mang lại hiệu quả tạo cảm giác thoáng rộng cho từng căn phòng. 
Khi trang trí, làm đẹp nhà, đều cần đến việc tạo điểm nhấn cho góc nhỏ, vị trí bất kỳ, là nơi dừng lại của mọi ánh nhìn, tạo cảm giác gần gũi, thoải mái, dễ chịu nhất cho mọi người khi bước vào phòng. Thiết kế hệ thống chiếu sáng cũng tương tự như vậy. Với không gian nhỏ, ánh sáng nên lắp đặt ở những điểm cao để chiếu sáng toàn bộ gian phòng. Tuy nhiên, vẫn rất cần đến lượng sáng lớn, đặc biệt từ màu sắc đến kiểu dáng, ở một vị trí mà bạn cho là đặc biệt, để tạo điểm nhấn sắc nét, tôn thêm vẻ đẹp ấm cúng cho góc nhỏ yêu thích của bạn.
>> Xem thêm: Không gian nhỏ rộng hơn nhờ “nới” sáng
2. Thêm kệ phân chia không gian
Kệ về cơ bản, có rất nhiều kiểu dáng và đa dạng về màu sắc. Tùy thuộc vào cách trang trí xuyên suốt căn nhà để bạn lựa chọn hình dáng kệ phù hợp.
Kệ có vai trò sắp xếp, lưu trữ đồ đạc, vật dụng trong nhà, là nơi treo ti vi và đồng thời cũng đóng vai trò là vách ngăn phân chia không gian một cách tương đối. Với những ngôi nhà nhỏ, bạn nên chọn kệ nhỏ, kiểu dáng đơn giản, thanh thoát để tránh tạo cảm giác nặng nề, chật chội hơn cho không gian.
3. Chọn rèm cửa không cản sáng
Những không gian nhỏ, nếu sắm sửa những kiểu rèm có chất vải dày dặn, màu sắc trung tính hay trầm, sẽ vô tình khiến không gian trở nên bí bách và chật chội hơn. Hãy tiếp nhận ý tưởng làm đẹp cửa sổ với rèm mỏng mảnh hay rèm dây, vừa tạo độ mềm mại, thanh thoát cho không gian vừa mang ánh sáng tối đa vào phòng, cho khung cửa sổ điệu đà, đáng yêu, và quan trọng hơn, cho căn phòng luôn thoáng sáng và rộng rãi.
4.  Màu sắc của trần nhà không phải là màu trắng
Màu trắng giúp bạn nới sáng, mở rộng tối đa không gian. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều màu trắng, hay áp dụng một cách máy móc, đôi khi sẽ khiến không gian trở nên mờ nhạt, nhàm chán. Mạnh dạn không sử dụng màu trắng cho trần nhà của những căn phòng hẹp, bạn có thể sơn hoặc decor cùng với tone màu chính của tường hay không gian. Trần nhà như tiếp nối màu sắc một cách liền mạch với tổng thể căn phòng, giúp tăng diện tích cho không gian về mặt thị giác. 
Bên cạnh sơn trần, bạn có thể sử dụng ý tưởng lắp đặt gương, kính hay thêm rèm cho trần nhà, những ý tưởng đơn giản này sẽ mang lại bất ngờ cho mọi người trong việc nới rộng không gian sống.
>> Xem thêm: Cách dùng màu sắc “nới rộng” không gian nhỏ
5. Tạo hiệu ứng Ombre cho màu sắc và ánh sáng trong phòng
Nếu không gian nhà bạn khá chật hẹp, bạn đừng ngại thử nghiệm, bởi nếu có thử nghiệm, bạn mới cảm nhận được giá trị đích thực trong việc làm đẹp cho nơi mình đang sống. Hãy áp dụng hiệu ứng Ombre, một thủ thuật tạo màu trong photoshop, để mang lại vẻ đẹp sống động, tươi trẻ và thêm một chút sắc thái kỳ ảo cho không gian.
Xử lý tinh tế cho màu sắc Ombre của một bức tường, hay chọn rèm cửa, chăn ga… với nhiều sắc độ của màu sắc, là cả một nghệ thuật cùng óc thẩm mỹ tinh tế, là cơ hội tuyệt vời để bạn bon chen thêm nhiều màu cho không gian sống. Đặc biệt, khi xuất hiện trong không gian nhỏ, những gam màu tươi sáng, xuất hiện có chừng mực sẽ không làm thị giác bị quá tải. Hơn nữa, những gam màu decor theo hiệu ứng Ombre sẽ là điểm nhấn màu sắc độc đáo cho ngôi nhà nhỏ của bạn thêm xinh.
6. Chọn nội thất có chân thấp
Nhà nhỏ, nội thất quá cao sẽ khiến bạn có cảm giác trần bị thấp đi đáng kể. Hãy chọn những nội thất chính như sofa, bàn, ghế, giường… với độ cao vừa phải.
Với những nội thất có chân thấp, bạn cũng nên chọn kiểu dáng đơn giản, gọn gàng, tránh mua sắm những loại nội thất có kiểu dáng rườm rà, cầu kỳ, khiến điểm nhìn và tầm nhìn bị vướng, vô tình làm không gian trở nên rối mắt và chật chội.
7.  Thiết kế tủ, kệ “nâng trần”
Trần nhà có cảm giác cao hơn thực tế, sẽ là cách giúp mọi người quên đi cảm giác chật hẹp do hạn chế về không gian mang lại. Vì vậy, dù nhà nhỏ đến đâu, bạn cũng nên tính đến phương án “nâng trần”.
Bên cạnh việc lựa chọn nội thất chân thấp, bạn có thể sắm kệ hoặc tủ, kệ gắn sát tường, có chiều cao từ sàn đến trần, vừa giải quyết được việc cất trữ gọn gàng vô số đồ đạc không tên cho nhà bạn, vừa tạo cảm giác trần như cao hơn so với thực tế.
8. Chọn thảm với kích thước nhỏ xinh
Khi nhà có diện tích hẹp, bạn không nên chọn tấm thảm to, dày dặn, sẽ dễ khiến không gian dễ bị chìm trong màu sắc và hoa văn của thảm. Hãy ưu ái việc mua thảm, nhưng nên mua những tấm thảm nhỏ xinh xắn, khoảng vừa vặn cho 2 – 3 người ngồi trò chuyện trên thảm. Tấm thảm nhỏ xinh như thêm sự ấm cúng, thêm điểm nhấn cho không gian, đồng thời phần diện tích sàn không chứa thảm lớn, cho căn phòng cảm giác rộng và thoáng hơn.
9. Chọn những nội thất cần thiết
Những căn hộ hay nhà phố có khoảng diện tích nhỏ hẹp, bạn nên ưu tiên việc chọn nội thất cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Chỉ thêm pha một chút điểm nhấn từ ánh sáng, từ tường và vật trang trí nhỏ xinh như lọ hoa, chậu cây. Tránh ôm đồm quá nhiều nội thất về tổ ấm, khiến mỗi căn phòng như bị “ngộp thở” vì quá tải. Nét đẹp tinh tế của căn nhà nhỏ luôn đến từ những điều giản đơn.
​​
 
Lục Bảo
Nguồn ảnh: V-interere, Domsad, Oselya
(Theo Congluan.vn)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.