Ai bảo ở nhà chăm con là… “tụt hậu”?

0
128
Một vấn đề khá nan giải với các bà mẹ sau sinh, nhất là đối với những phụ nữ trẻ lần đầu làm mẹ, đó là chuyện nên ở nhà chăm sóc cho con cái, gia đình hay bắt đầu quay lại luôn với công việc đang dang dở? Đi làm ngay thì thương con thiếu đi sự chăm sóc của mẹ, hơn nữa, đâu phải gia đình nào cũng có ông bà hay người thân trông con giúp, mà để bé đi trẻ khi mới 6 tháng tuổi thì… không đành lòng. Thế nhưng, nếu ở nhà chăm con, liệu chị em có đủ “can đảm” để vượt qua định kiến xã hội về một kẻ “ăn bám”, rồi chấp nhận hi sinh sự nghiệp, trở thành người nội trợ và… tụt hậu rất nhiều so với bạn bè? 

“Phụ nữ cũng cần có sự nghiệp”

Chị Hoàng Tuyên (Giáo viên mầm non) chia sẻ: “Tôi
đã lập gia đình và có hai con, cháu lớn 2 tuổi còn cháu bé cũng gần 1 tuổi. Mọi
người cứ khuyên nhủ tôi nghỉ việc ở nhà chăm con cho bé cứng cáp bởi
không ai chăm sóc con tốt hơn mẹ, nhưng tôi nghĩ, kể cả chồng mình có
kiếm ra tiền trăm tiền tỷ thì bản thân người phụ nữ vẫn cần phải có sự
nghiệp cho riêng mình.


Chị Hoàng Tuyên và con gái.

Phụ nữ đi làm không chỉ là kiếm thu nhập
mà còn giúp chị em có cơ hội va chạm xã hội. Ông xã tôi cũng là người hiện
đại nên thường động viên vợ đi làm để không bị tụt hậu. Bản thân tôi thì
luôn nghĩ phụ nữ nên chủ động trong cuộc sống, bởi mình có trình độ, có bằng
cấp tốn bao nhiêu tiền bạc thời gian mới có được, giờ lại ở nhà nội trợ
thì thật phí công đèn sách”.

Cùng quan điểm với chị Hoàng Tuyên, chị Cẩm Tú (Sản xuất chương trình truyền hình) cũng đưa ra suy nghĩ của mình về chuyện nên hay không nên ở nhà chăm con: “Bản
thân Tú là người chưa lập gia đình, nhưng Tú luôn xác định rõ ràng về
quan điểm phụ nữ là phải có sự nghiệp. Tú thấy rất nhiều phụ nữ có sự
nghiệp riêng thành đạt và vẫn có một gia đình hạnh phúc. Tất nhiên,
không thành công nào đến với bạn dễ dàng nếu như bạn không cố gắng hết
sức cả. Việc một người phụ nữ có sự nghiệp, có gia đình hạnh phúc là mục
đích mà Tú hướng đến trong tương lai và Tú sẽ cố gắng đạt được điều đó
như mẹ Tú đã làm”.

Đó cũng là quan điểm và cách lựa chọn của rất nhiều chị em khác, bởi đi làm lại sau khi sinh con mang lại nhiều điều tích cực:

Tránh được cảnh “thiếu trước hụt sau” về kinh tế

Gia
đình bạn lúc này đã có thêm người, nhiều thứ phải chi tiêu hơn khiến gánh nặng về kinh tế lại càng tăng. Vì thế, đi làm trở lại sẽ giúp cải thiện đáng kể mức sống của gia đình, góp thêm kinh
tế để chăm sóc con cái được tốt hơn. Cũng nhờ đó mà gia đình hạnh phúc hơn do áp lực về tiền bạc phần nào được san sẻ thay vì đổ dồn lên vai người chồng.

Tự tin trong giao tiếp và mở rộng mối quan hệ

Những phụ nữ đi làm thường phải tiếp xúc, va chạm
nhiều. Từ những tiếp xúc bắt buộc trong công việc đó, họ sẽ có phản xạ rất
tốt trong việc giao tiếp với người khác, giúp họ trở nên tự tin hơn. Và từ sự tự tin đó, họ có nhiều
cơ hội để mở rộng mối quan hệ thuận lợi cho công việc cũng như các mối
quan hệ tình cảm xã hội thông thường. Điều này sẽ khó có ở một người phụ
nữ ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái.

Nâng cao tri thức và khẳng định giá trị bản thân

Phụ
nữ bao nhiêu thế kỉ qua đã phải đấu tranh để được quyền bình đẳng như
nam giới, và họ đã, đang khẳng định điều ấy thông qua công việc mà họ
làm, tri thức mà họ tiếp thu cũng như khả năng trí tuệ họ thể hiện thông
qua công việc hàng ngày. Nhờ vào sự nỗ lực không biết mệt mỏi của họ mà
những định kiến về phụ nữ chỉ biết đến công việc bếp núc, giặt giũ, lau rửa… đã dần lùi chỗ cho những cái nhìn trân trọng và công nhận
bình quyền ở đàn ông. 


Chị Cẩm Tú (Sản xuất chương trình truyền hình)

Tuy vậy, cũng có không ít thiệt thòi, nói đúng hơn là vất vả mà những người phụ nữ đi làm sau sinh phải đối mặt:

Ít có thời gian chăm sóc con cái, gia đình, bản thân

Một
ngày, bạn sẽ mất ít nhất 8 tiếng đồng hồ cho công việc, cộng thêm thời
gian nghỉ trưa ngắn ngủi và thời gian đi về thì bạn chỉ còn lại rất ít thì giờ chăm sóc gia đình, con cái. Thậm chí, khoảng thời gian ấy
sẽ bị eo hẹp hơn nếu bạn là một người lãnh đạo, thường xuyên phải đi
công tác hay những cuộc họp đột xuất, những vấn đề phát sinh trong công
việc sẽ ngốn của bạn thêm nhiều thời gian, việc chăm sóc gia đình từ đó sẽ
bị xao nhãng rất nhiều.

Công việc sẽ cuốn bạn đi, mâu thuẫn sẽ phát sinh khi phụ nữ không thể “ba đầu sáu tay” làm mọi việc:

Khi
phụ nữ hết mình với công việc thì cũng là lúc mâu thuẫn từ phía gia
đình sẽ phát sinh. Đó là quy luật không cần phải chứng minh. Rất hiếm
người phụ nữ nào có thể “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” một cách vẹn
toàn, bởi vì đơn giản phụ nữ trước hết là một con người với năng lực và
quyền được sống, làm việc, hưởng thụ tương đương với nam giới.

Thế
nhưng, có một bộ luật bất thành văn đã trói chặt phụ nữ bấy lâu nay,
khiến họ lúc nào cũng phải nhồi vào đầu những “tam tòng, tứ đức, công,
dung, ngôn, hạnh” mà họ muốn thoát ra nhưng chỉ dám chân thò, chân thụt.
Định kiến xã hội đã ăn sâu vào tiềm thức của đàn ông, kể cả những bà,
những mẹ mang ý niệm “hủ Nho” rằng: việc nhà là của phụ nữ, rằng chăm
sóc chồng con cũng là trách nhiệm của phụ nữ, rằng tổ ấm có “ấm” hay
không đương nhiên là do phụ nữ có khéo léo, đảm đang hay không?

Đàn
ông được mặc định là người “xây nhà”, thế nhưng trong cuộc sống gia
đình hiện đại thì việc kiếm tiền là việc chung của hai vợ chồng. Nếu
người phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ thì sẽ bị mang tiếng ăn bám, trong khi
người phụ nữ cũng phải đi làm để cùng chồng cáng đáng gia đình, vậy mà về
đến nhà thì cả đống việc không tên đổ lên đầu họ, và liệu người phụ nữ đó có thể
gánh vác tất cả mà không dám ca thán nửa lời? Nếu cô ấy đòi quyền bình đẳng thì
mâu thuẫn sẽ từ đó mà nảy sinh…

>>> Xem thêm:Nuôi con “kiểu mới” và cuộc chiến của những bà mẹ cực đoan

Hơn nữa, nếu phụ nữ kiếm tiền giỏi hơn chồng, đó có thể sẽ là một bi kịch

Nếu
một người đàn ông kiếm tiền giỏi hơn vợ, thiên hạ sẽ cho đó là chuyện
đương nhiên. Nhưng, nếu một người phụ nữ kiếm tiền giỏi hơn chồng thì đó
sẽ là một bi kịch. Vì sao ư? Vì những lý do sau:

Cô ấy đã khiến
cho chồng cảm thấy mất tự tin về bản thân, anh ta sẽ cho rằng bản thân
mình kém cỏi và thấy bị tổn thương trước sự giỏi giang của vợ mình. Đàn
ông ngoài mặt sẽ tỏ vẻ tự hào khi có một người vợ tài giỏi, nhưng thực
chất trong lòng anh ta luôn canh cánh nỗi lo bị người khác coi là “kẻ
núp váy” vợ. Từ đó, anh ta luôn cần một ai đó nâng niu và đặt anh ta ở
vị trí nơi anh ta muốn, chuyện ngoại tình nảy sinh.

Ngược lai,
một người phụ nữ giỏi giang hơn chồng phần nhiều luôn có sự bất mãn. Tại
sao anh ấy lại kém cỏi đến thế? Tại sao anh ấy không thể khiến mình tự
hào khi giới thiệu về chồng? Còn gì bi kịch hơn một người phụ nữ bất mãn
về chồng và một người đàn ông cảm thấy bị tổn thương trước sự giỏi
giang của vợ?

Ở nhà sau sinh không hề “tụt hậu”

Đi làm, xem ra cũng không hẳn là lựa chọn hợp lý nên cũng có nhiều chị em khác quyết định ở nhà chăm con. Vậy phụ nữ ở nhà nội trợ sẽ có thuận lợi như thế nào?

Toàn thời gian chăm sóc gia đình, con cái, bản thân

Phụ
nữ nội trợ sẽ chủ động trong việc chăm sóc gia đình, bản thân và con
cái. Nói như vậy không có nghĩa là họ “sướng”, vì thực ra công việc nội
trợ nghe qua tưởng đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy hàng đống
việc không tên khiến bạn mệt phờ cả người.

Nhưng, típ phụ nữ
thích công việc nội trợ sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được chăm sóc
con cái, nấu cho chồng con những món ăn ngon, chọn cho chồng con những
bộ quần áo đẹp, thơm tho, nhà cửa sạch sẽ ấm cúng, con cái có sự quan
tâm sát sao của mẹ cũng sẽ dễ vào khuôn khổ hơn so với việc chúng phải ở
nhà với người giúp việc.

Chị Huyền Trang (kinh doanh online) cho biết: “Mình
có quan điểm khá thoáng về vấn đề sau sinh nên đi làm hay ở nhà.
Bản thân mình trước đây đã làm qua nhiều công việc công sở nhưng thấy
không phù hợp nên mình xin nghỉ và kinh doanh tại nhà.

Mình cảm thấy hoàn toàn hài lòng với quyết định đó. Vì thời gian
ở nhà khi rảnh rỗi, không có khách, mình đã làm được khá nhiều việc cho
gia đình nhỏ và cho bản thân mà trước kia do thời gian bận rộn nên
không thể làm được”.


Chị Huyền Trang: “Thời gian ở nhà, mình đã làm được khá nhiều việc cho
gia đình nhỏ và cho bản thân mà trước kia do thời gian bận rộn nên
không thể làm được”.


Và ai bảo phụ nữ ở nhà nội trợ là tụt hậu?

Chuyện
phụ nữ quanh quẩn góc bếp và lu bù vào việc nhà đến nỗi không biết gì
đến chuyện ngoài xã hội đã “xưa rồi Diễm”. Phụ nữ thời nay chủ động
trong việc tìm kiếm thông tin ngoài xã hội thông qua internet hàng ngày,
hang giờ. Ngoài ra họ còn rất nhanh nhạy trong việc sử dụng công nghệ
để buôn bán online, kiếm thêm thu nhập bằng chính công việc nội trợ tại
nhà như: Muối kim chi, dưa cà, nấu ăn, móc len, bán mĩ phẩm tại nhà…
Những công việc này phần nào đã giúp họ vừa có thu nhập, lại vừa mở rộng
mối quan hệ xã hội. Phụ nữ nội trợ thường hay tham gian diễn đàn về
chăm sóc gia đình, bản thân, con cái… và có những buổi “off” chia sẻ kinh
nghiệm rất thú vị. Cuộc sống của phụ nữ nội trợ không hề tẻ nhạt như bạn
nghĩ!

Tuy vậy, phụ nữ ở nhà chăm con cũng có nhiều cái “khó” vì phải đối mặt với những vấn đề “muôn thuở” mang tên: kẻ ăn bám, dư luận, định kiến…
 
Cảm giác mất tự tin khi không làm ra kinh tế

Đây
là cảm giác phổ biến nhất ở những phụ nữ nội trợ. Cảm giác là “kẻ ăn
bám” luôn khiến phụ nữ mệt mỏi và bất mãn. Nếu họ đi làm với đồng lương
không đủ để gửi con ở nhà trẻ, thì thà họ ở nhà để chăm sóc con còn hơn.
Nhưng mấy ai hiểu được điều đó? Cảm giác “bị” làm “bà nội trợ” khiến họ
rất mất tự tin.

Thường xuyên mệt mỏi với dư luận

Vì ở
nhà nội trợ, ít có dịp giao tiếp với nhiều người bên ngoài trừ người xung
quanh phạm vi mà họ sống như: các bà nội trợ cùng phố, người giúp việc,
phụ nữ buôn bán ở chợ… Đây chính là nguyên nhân khiến bản thân họ hết sức đau đầu trước những câu hỏi “nhạy cảm”: “Tại sao không đi
làm? Không xin được việc à? Sao không làm cái này cái kia, ở nhà ăn bám
chồng mãi sao? Chồng làm lương lậu thế nào, chồng không đi làm thì lấy
gì mà sống?”
… Đằng sau mỗi người phụ nữ ở nhà nội trợ là một câu chuyện
dài, nhưng đằng sau các bà ở chợ thì là hàng tá những câu chuyện vô
duyên, thêu dệt và áp đặt khiến cho phụ nữ ở nhà đã “mỏi” lại càng thêm
mệt.

Như chị Huyền Trang chia sẻ thêm: “Điều mình cảm thấy “lăn tăn” nhất đó là
định kiến xã hội khi phụ nữ ở nhà nội trợ. Tất cả mọi người đều biết
những công việc ở nhà đều là trăm ngàn những việc không tên mà một người phụ
nữ nội trợ nào cũng phải “đầu tắt mặt tối” mới hoàn thành. Thế nhưng, thậm chí
cũng là phụ nữ với nhau, cũng hiểu công việc nội trợ vất vả ra sao nhưng
chính nhiều người phụ nữ khác lại cho rằng việc ở nhà không đi làm
là “ăn bám” chồng?”

Mất phương hướng cho bản thân

Vì cuộc sống nội trợ bị
gói gọn trong bốn bức tường nên đôi khi người phụ nữ ở nhà trở nên bị
động và mất phương hướng cho bản thân. Mỗi ngày trôi qua đều giống nhau
nên bản thân họ đã mất đi phương hướng hoặc kế hoạch cho bản thân mình,
sự an phận khiến họ trở nên tụt hậu so với chính bản thân họ trước kia.

Hãy cân nhắc

Vậy cuối cùng thì nên ở nhà hay đi làm? Chắc nhiều mẹ vẫn cảm thấy khó khăn để lựa chọn. Vậy thì, câu trả lời hợp lý nhất ở đây là: “Nên cân nhắc!” Bởi vì sao?

“Việc phụ nữ đi làm sau sinh là một điều rất
đáng hoan nghênh, nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề cần phải suy
ngẫm, chẳng hạn: Một mẹ sinh con xong gửi con ở nhà trẻ mất 3 triệu, đi làm lương
cũng được 3 triệu tức là chỉ đủ tiền để gửi con ở nhà trẻ, chưa tính đến
tiền ăn trưa ở công ty, tiền xăng xe đi làm, tiền điện thoại cho công
việc… thì không đủ để nuôi bản thân, nhưng cô ấy vẫn chấp nhận thắt
lưng buộc bụng để đi làm vì không muốn mang tiếng “ăn bám” chồng. Tại
sao thế? Phải chăng định kiến dư luận đáng sợ đến mức một người phụ nữ
biết thừa đi làm còn không đủ nuôi thân nhưng vẫn phải đi vì sợ mang
tiếng???”
– Chị Huyền Trang nói thêm.

Không ai hiểu bạn hơn chính bạn. Vì thế, chỉ bạn mới là người có thể đưa ra quyết định sáng suốt nhất cho mình. Không có gì là “vẹn cả đôi đường được”, nên hãy tính toán trước sau xem trong hoàn cảnh của mình thì đi làm có nhiều cái lợi hơn, hay ở nhà nội trợ thì hợp lý hơn rồi đưa ra quyết định. Sau đó thì chỉ cần cố gắng hoàn thành tốt nhất vị trí mà mình lựa chọn thôi, và luôn luôn nhớ rằng: Không phải đi làm có nghĩa là bạn không chăm lo tốt được cho con cái, và ở nhà nội trợ cũng không bao giờ đồng nghĩa với tụt hậu. Những bà mẹ hiện đại, luôn năng động và chịu khó học hỏi, tiếp thu sẽ có cách cân bằng tốt nhất cho cuộc sống của mình cũng như gia đình, con cái.

Đó là ý kiến của một số mẹ về chuyện “Ở nhà chăm con”, còn bạn thì sao? Đi làm thì “sướng” hơn hay ở nhà nội trợ tốt hơn? Hãy chia sẻ những quan điểm, góp ý hay nói lên câu chuyện của chính mình để các mẹ khác cùng tham khảo nhé!

Các mẹ hãy gửi những chia sẻ của mình tới hòm thư giadinh@ChaMeCuaCon.com nhé! Em đẹp sẽ lắng nghe ý kiến của tất cả các mẹ.

Khương Diệp Anh
logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.