Các nhà nghiên cứu vừa khám phá ra một mối tương quan khó tin giữa cách mà các luồng khí di chuyển trong một động cơ phản lực và cách mà thanh quản của con người tạo ra âm thanh.
Nguyên tắc cơ bản để tạo ra âm thanh thì dễ hiểu. Các tế bào thần kinh kích thích các cơ kéo các dây thanh âm lại với nhau. Sự tương tác giữa không khí và dây thanh âm làm cho các dây này rung lên tạo ra âm thanh.
Theo Sid Khosla, tác giả chính của một nghiên cứu được đăng tải chi tiết trên ấn bản tháng ba của tạp chí Biên niên sử của ngành tai mũi họng, thì nếu đây chỉ là cơ chế duy nhất liên quan đến việc tạo ra âm thanh thì giọng nói của mỗi người sẽ rất máy móc. Do đó các chi tiết liên quan đến việc các luồng khí ảnh hưởng như thế nào đến việc tạo ra âm thanh và chất lượng của giọng nói cũng chính là lý do khiến mỗi giọng nói của mỗi người khác nhau.
Vị trí của thanh quản và các dây thanh âm. (Ảnh: nidcd.nih.gov)
|
Lốc xoáy, là các vùng chuyển động quay tròn nhìn giống như các vòng khói, có thể chuyển thành các chuyển động hỗn độn mà có thể tạo ra âm thanh trong các động cơ phản lực.
Khosla giải thích với phóng viên Livescience rằng “chúng tôi đang tự hỏi rằng liệu lốc xoáy có thể tạo ra các âm thanh phụ trong thanh quản hay không.” Trong thanh quản lốc xoáy tạo ra âm thanh bằng cách tương tác với các cấu trúc nằm bên trên các dây thanh âm.
Khosla nói những lốc xoáy này đã được giới thiệu trong các mô hình cơ khí và mô hình toán học nhưng cho tới bây giờ không một ai có thể mô tả hoặc nhìn thấy chúng trong các mô hình trên động vật. Do đó, Khosla và đồng nghiệp của mình đã tiến hành làm việc này bằng cách nghiên cứu mô hình này trên chó.
Khosla giải thích: “thanh quản của chó gần giống với thanh quản của con người nhất”
Hiểu rõ được cách mà các âm thanh được tạo ra trong mô hình mới này có thể đem lại hy vọng cho những người bị mắc các chứng bệnh liên quan đến việc phát âm.
Khosla nói: “Hiện nay, phẫu thuật là biện pháp cần thiết để chữa các căn bệnh liên quan đến giọng nói và việc phẫu thuật thường được tiến hành trên các dây thanh âm. Nếu hiểu rõ các nguồn khác mà ảnh hưởng đến âm thanh có thể phát triển một phương pháp hoàn toàn mới để chữa trị các bệnh liên quan đến giọng nói.”
Thế Kiệt