Người ta nhắc đến Thái Lan vẫn hay bảo là đất nước chùa vàng, chùa lấp lánh dưới nắng vàng và cái khí hậu lúc nào cũng nóng ấm quanh năm. Còn với tôi nhắc đến đất Thái là nhắc đến con người nơi đây, nhắc đến nền ẩm thực cực kì nhiều màu sắc và hương vị, rồi nhớ đến sự tự do của tuổi trẻ, nhớ đến một đất nước luôn chuyển động cho dù đó là buổi sáng tinh mơ hay những đêm mưa.
Thái Lan là một cái hẹn tình cờ của tuổi trẻ, là một đứa “hay ăn” nên vừa mới chạm chân đất Thái đứa bạn đã chào đón bằng một bàn đầy thức ăn với đủ màu sắc. Trước khi đến Thái tôi vẫn thường hay thắc mắc tại sao người Thái lại ăn cay đến vậy, trong khi khí hậu thì nắng nóng, đường phố thì lúc nào cũng đông đúc, ăn cay vào thì dễ bực mình hơn. Nhưng khi được ăn những món Thái chính gốc mới hiểu, những món ăn này không chỉ đem đến về hương vị và còn là màu sắc, đặc biệt là màu đỏ – màu của sự nhiệt huyết. Tâm trạng dù có mệt mỏi, mà thấy bát Tom Yam Kung đỏ au, thơm ngào ngạt thì đảm bảo, có mệt đến mấy cũng phải ăn xong rồi nghĩ tiếp. Món Tom Yam chắc chắn là phải thử khi đến Thái, vị nó thật sự khác so với món cùng tên như vậy ở Việt Nam. Nguyên liệu chính vẫn chỉ là tôm, mực ngoài ra còn có nấm rơm, nấm bào ngư (nhất định phải có loại này vì nó góp vào một hương vị riêng), quan trọng hơn cả là tỉ lệ của riềng, sả, lá chanh đôi khi là có chút sữa dừa và đặc biệt là phải có nước me chua mới được. Vị của nó nằm ở mùi thơm của lá chanh, chỉ cần mới bưng bát canh lên thôi mà tôi đã thấy mùi lá chanh ngào ngạt. Đừng bị nhầm giữa lá chanh Việt và chanh Thái (Kaffir lime leaves), lá chanh Thái có vị thơm hơn, cái mùi của nó cũng tươi mát hơn vậy nên bát canh Tom Yum mới có hương vị riêng mà chỉ trên đất Thái mới có đấy ạ. Dù có mua gói hương vị gồm các loại khô được đóng gói từ Thái về nấu thì cũng làm sao mang được cái vị riêng của lá chanh tươi nhỉ. Nói về món này thì dù đã lâu lắm rồi nhưng nhắc lại là nhớ ngay đến vị cay xè nơi đầu lưỡi của ớt, vị chua chua, ngọt ngọt thấm vào tôm, vào mực cùng với riềng, sả hăng hăng cay rơi nước mắt nhưng không thể nào ngừng ăn.
Thật ra thì hầu hết các món Thái cũng hội tụ đủ ba vị chua, cay, mặn ngọt cả. Cái món nộm đu đủ xanh giống như Kimchi của Hàn Quốc, hay dưa cà của Việt Nam, chỉ khác là nó chua, cay xè và giòn giòn, còn thiếu vị gì nữa thì để kể sau vậy.
Chắc nhiều người chỉ cần nghe đến cái tên Pad Thai là nghĩ ngay đến cái món giống phở xào của Việt Nam khác là thêm nhiều nguyên liệu hơn phải không? Không đâu nha, một cái chảo phải thật dầy, thật to dùng để xào thì mới giữ được nhiệt độ mà không làm món này bị cháy nhanh. Ngoài ra cái sốt khi cho vào tất nhiên không thể thiếu nước me, nước mắm, đường và chút ớt bột. Cho phở vào đảo thật nhanh tay thì phở mới không bị bết dính, rồi dần dần cho các nguyên liệu như giá, hành hẹ, nước sốt và cuối cùng là tôm, mực đã được xào chính từ trước vào, cuối cùng nhất định phải đập một quả trứng dải quang thành chảo, nhanh tay đảo dần từ ngoài vào trong để trứng lẫn vào với các nguyên liệu còn lại. Tất cả các nguyên liệu chín, hơi xem chút xíu là quá ngon, rắc thêm đậu phộng và không được quên miếng chanh Thái nhỏ để thêm vị chua nha. Có lẽ món này là món ít cay nhất ở Thái rồi ý. Vậy nên đi đâu ăn cứ niệm thần chú “Mây bẹt, mây bẹt” (không cay, không cay) nha.
Đồ nướng ở Thái thì khỏi kể, cực ngon vì tẩm ướp rất khéo, nhưng không quên được đến món phụ bán ngập tràn ở đường phố, đặc biệt là hoa quả, những xe hoa quả lạnh có mặt khắp nơi, rẻ thì cứ phải gọi là thôi rồi, nhất là những chai nước màu đỏ màu vàng, đừng tưởng phẩm màu, không có đâu mà là nước lựu đỏ, nước cam vàng nguyên chất có khi còn không thêm đường ý.
Kể cả bánh trái cũng ngập màu sắc luôn, bảo sao mà cuộc sống luôn sôi động, nhộn nhịp vì quanh đó lúc nào chả đắm mình vào hương vị, màu sắc và sự tươi mới mỗi ngày!
Ice Summer