Ăn dặm kiểu Nhật – 2 hiểu lầm gây hại cho con

Ăn dặm kiểu Nhật - 2 hiểu lầm gây hại cho con

Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp khá đơn giản nhưng không hề dễ dàng. Lý do là mẹ rất dễ áp dụng sai phương pháp, hoặc đôi khi do những hiểu lầm không đáng có mà “phá hỏng” cả một sự cố gắng của mình. Có 2 sự hiểu lầm mà các mẹ dễ mắc phải nhất, đó là:

1. Ăn đủ 4 nhóm dinh dưỡng: Bột, đường-béo-đạm, chất xơ, vitamin

Việc này quan trọng, đúng đắn như thế nào thì các sách dinh dưỡng đã nói nhiều rồi. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, ăn đủ 4 nhóm dinh dưỡng đang được hiểu lầm thành: Ăn đủ 4 nhóm dinh dưỡng cùng-một-lúc!

Hiểu lầm tai hại này dẫn đến đủ thứ “lẩu thập cẩm” trong thực đơn ăn dặm của con. Sự kết hợp tuỳ tiện, trộn chung tất cả mọi thứ từ trứng, thịt bò, rau cải đến cá chép, rau mùng tơi, đến thịt lợn, cà rốt, rồi thịt bò rau ngót đến phô mai, dầu ăn, hạt sen, ý dĩ, đậu xanh… trong 1 bát cháo là điều nhiều mẹ mắc phải. Bất cứ 1 thứ gì tốt cho con đều được mẹ trộn chung với một sự mặc định “ăn dặm là phải thế”, thay vì thực sự quan tâm xem con mình có phản ứng như thế nào với chuyện ăn uống, con tỏ ra hứng thú hay đã quá ngán những món cháo thập cẩm như thế?… Đã vậy, nhiều mẹ cứ nghĩ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng như thế là tốt cho con và ra sức nhồi nhét với lý luận rất khoa học “sách dinh dưỡng nói thế”, “sách dinh dưỡng viết rằng mẹ phải cho con ăn đủ 4 nhóm thực phẩm”,… Vô hình chung, mẹ đã “phá nát” tư tưởng của phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật rồi.

Ăn dặm kiểu Nhật - 2 hiểu lầm gây hại cho con

Việc ăn 4 nhóm dinh dưỡng cùng 1 bát cháo như vậy sẽ gây ra hậu quả:

– Hương vị của các bữa ăn đều tương tự nhau, không vị nào riêng biệt với vị nào: Nếu không tin, các mẹ có thể nếm thử: cháo cá, cháo lươn cũng không không khác gì cháo thịt (đặc biệt nếu mẹ còn nấu cháo bằng nước hầm xương); rau ngót thì không khác gì rau cải. Và dù bất cứ khi nào, bát cháo cũng chỉ nổi lên vị nước mắm hoặc bột canh kết hợp với thịt/ xương/ dầu ăn ngầy ngậy.

Đây là 1 trong những nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ. Vì con đã quá chán bát cháo hổ lốn mà mẹ thì không hiểu được cụ thể là con chán món gì, thành ra con chỉ nhìn thấy bát cháo là sợ quá rồi, không cần biết trong đó là rau củ hay cá thịt.

– Mẹ không kiếm soát được nguyên nhân gây dị ứng của con, cũng như không hề hiểu con, xem con thích ăn gì, con ghét ăn gì. Làm mẹ, chỉ có khả năng nhồi nhét, áp đặt mà không hiểu con mình, các mẹ có thấy mình có lỗi không?

Ăn dặm kiểu Nhật - 2 hiểu lầm gây hại cho con

– Con mất đi khả năng cảm nhận hương vị riêng biệt của từng loại thực phẩm: Vị giác của trẻ nhỏ nhạy cảm hơn người lớn nhiều lần. Chúng có thể cảm nhận được vị ngon của sữa mẹ mà người lớn vẫn chê “nhạt toẹt” cơ mà. Đừng nghĩ chúng ăn chỉ vì đói mà không hề biết gì. Chúng cảm nhận “tinh” hơn người lớn nhiều lần đấy. Nếu không tin, các mẹ đổi sữa, hoặc đổi núm vú đột ngột, có phải rất nhiều trẻ có phản ứng bỏ ăn không?

Vì con tinh nhạy như thế trong cảm nhận hương vị, vậy mà mẹ lại “vùi dập” con bằng cách trộn “lộn tùng phèo” đủ thứ thập cẩm vào nhau, có phải mẹ vừa làm khổ mẹ, vừa làm khổ con không. Tại sao trẻ con thường ít đứa thích ăn rau và cá, là vì chúng bị mất đi sự cảm nhận hương vị ban đầu, nên coi rau và cá là nhạt nhẽo đấy. Kéo theo đó là việc ham ăn vặt, ăn đồ ngọt, uống nước có gas, đồ ăn sẵn như bim bim,… bởi vì hương vị của nó đậm đà.

2. Thêm dầu, mỡ vào đồ ăn của con

Dầu ăn/ mỡ động vật đóng vai trò quan trọng trong cả việc phát triển cũng như sinh trưởng. Không có dầu ăn/ mỡ động vật có thể gây ra rất nhiều bệnh, trong đó có cả những bệnh liên quan đến trí não, làm trẻ đần độn. Nhưng như thế không có nghĩa là mẹ phải trộn dầu ăn/mỡ động vật vào bất cứ món ăn nào của con trong khi nấu nướng. Việc lạm dụng thêm dầu ăn/mỡ vào thức ăn có thể khiến bé bị ngán, khó ăn, nhất là khi mẹ sử dụng dầu/mỡ thông thường thay vì các loại dầu thực vật sản xuất riêng cho trẻ.

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.