Ăn đồ tái, sống: Sán “dạo chơi” khắp người

Ăn đồ tái, sống có thể dẫn đến tử vong vì nhiễm sán
Những món ăn tái sống hoặc rau sống ăn kèm thường được rất nhiều người ưa chuộng nhưng đằng sau nó lại ẩn chứa hàng loạt những nguy cơ lây nhiễm giun sán, có hại cho sức khỏe mà không phải ai cũng ý thức được. 
Sán “dạo chơi” khắp người vì ăn đồ tái, sống
Các món ăn sống hoặc tái như nem chạo, tiết canh, rau sống là những món có nhiều khả năng gây ra tình trạng nhiễm ấu trùng sán lợn nhất. Đây là một bệnh ký sinh trùng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu chẩn đoán và điều trị sai. 
Nhiều bệnh nhân bị nhiễm sán mà không biết. Ban đầu, do chỉ thấy chóng mặt, buồn nôn, nhiều người tự mua các loại thuốc giảm đau về dùng. Họ không đi kiểm tra để tìm hiểu tận gốc những cơn đau đầu đó. Chỉ đến khi cơn đau kéo dài, tình trạng trầm trọng hơn kèm nôn mửa, hôn mê thì người bệnh mới nhập viện và biết mình bị nhiễm sán. 
Điển hình như bệnh nhân Lê Văn H. ở Hà Nam thường hay ăn thịt lợn nướng, thích lợn hun khói, thịt bò tái. Sau một thời gian, anh H thường bị nhức đầu nhưng ở mức độ nhẹ nên chủ quan, đến khi có biểu hiện liệt nửa người bên phải anh mới được đưa đến viện. Anh vẫn còn chưa hết rùng mình khi kể lại: “Ai ngờ mấy món khoái khẩu đó lại tai hại đến thế? Do thường xuyên ăn thịt bò tái nên tôi nhiễm ấu trùng sán dây lợn”. 
Ăn đồ tái, sống có thể dẫn đến tử vong vì nhiễm sán
Trường hợp trên là sán trú ngụ trong não người gây liệt nửa người, còn nếu ấu trùng sán dây lợn di chuyển đến mắt thì có thể ảnh hưởng đến thị giác của người bệnh. Sán di chuyển lên mắt có thể làm cho thủy tinh thể bị viêm, thoái hóa hoặc nặng hơn có thể phá hủy, bong võng mạc.
Như trường hợp của anh Trung Sơn (Yên Bái) suýt bị mù vĩnh viễn vì bị nang sán tấn công vào mắt. Anh kể lại: “Nhiều lúc tôi bị đau đầu, thậm chí co giật rồi mắt ngày một mờ đi nhưng cũng chỉ nghĩ mình bị tiền đình thôi chứ ai nghĩ cơ thể mình nhiễm sán dây lợn. Từ nay tôi cạch các món sống, tái đến già.”. 
Ăn đồ tái, sống: Sán 'dạo chơi' khắp người
Nguy hại khi ăn đồ ăn tái chín, rau sống rửa không sạch
Sán thường ký sinh trên các loại rau sau khi được bón, tưới phân. Người ăn phải rau có sán, trứng sán sẽ nhiễm sán, đặc biệt là khi ăn rau sống không rửa sạch. Ngoài ra nguy cơ nhiễm giun sán còn đến từ món tiết canh – món không được nấu chín trước khi ăn. Người ăn phải món tiết canh nhiễm sán cũng có nguy cơ nhiễm sán cao. 
Cơ thể bị nhiễm sán có thể gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Trường hợp sán đặc biệt nguy hiểm là sán di chuyển lên não. Khi chúng phát triển đủ lớn thì sẽ gây ra các bệnh màng não hoặc liệt dây thần kinh sọ não.
Nếu các nang sán trụ ngụ ở cột tủy sống thì sẽ gây ra các triệu chứng đau dây thần kinh, và các bệnh lý tủy sống khác. Khi sán di chuyển và ẩn náu trong gan sẽ làm cho người bệnh có hàng loạt triệu chứng của người bị viêm gan như mệt mỏi, uể oải, chán ăn thậm chí là sức khỏe suy kiệt nếu để các ổ sán đó trú ngụ thời gian dài.
Loại ấu trùng sán này có khả năng xuyên qua các niêm mạc đường tiêu hóa và theo mạch máu di chuyển khắp nơi trong cơ thể. Sán trú ngụ ở đâu là ở đó có bệnh. Các triệu chứng thường gặp như chóng mặt, buồn nôn, giảm trí nhớ, liệt mặt, liệt tứ chi, liệt nửa người, nhức đầu, viêm màng não, thậm chí tử vong.
Cách phòng ngừa tốt nhất để không bị nhiễm sán
Để phòng ngừa nhiễm sán, mọi người nên thực hiện ăn chín uống sôi. Không ăn các món ăn tái, sống, lợn bị bệnh, không ăn tiết canh. Với các món rau sống phải rửa thật sạch, khử trùng trước khi ăn. Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn. Vệ sinh môi trường sạch sẽ. Ở những vùng thôn quê, không được dùng nước phân, nước tiểu để tưới trực tiếp lên rau trồng đặc biệt là các loại rau ăn sống. 
Bạn không được chủ quan với tình trạng sức khỏe của mình. Khi thấy có biểu hiện đau đầu, mờ mắt hoặc bất cứ các biểu hiện bất thường nào cần đi khám ngay. Đặc biệt khi đi đại tiện mà thấy có đốt sán hoặc u nhỏ dưới da cần phải đi kiểm tra vì có thể bạn đã bị nhiễm sán ký sinh. Việc đi khám để được phát hiện và điều trị sớm là một yếu tố vô cùng quan trọng, giúp tránh biến chứng nguy hiểm. 
Hạnh Vân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.