Tôi lấy một người chồng có công việc ổn định, yêu vợ và có trách nhiệm. Chúng tôi gặp nhau khi mưu sinh nơi đất khách nên sau đám cưới hai vợ chồng lại dắt nhau ra thành phố để tiếp tục công việc, chẳng bao lâu sau đó thì tôi mang thai.
Từ khi biết mình có bầu, hai vợ chồng hạnh phúc lắm vì rất yêu con trẻ, chồng tôi làm quần quật để tôi có thể nghỉ ngơi trong khi mang thai, nhưng công việc may vá của tôi cũng không quá vất vả nên tôi vẫn làm để kiếm thêm thu nhập lo cho tương lai của đứa con sắp chào đời.
Thời gian này tâm tính tôi đột ngột thay đổi, từ một người rất mạnh mẽ và có phần nam tính, tôi trở nên bất an, lo xa toàn thứ không đâu. Lúc nào tôi cũng sợ hãi những chuyện vặt vãnh như sợ ăn phải rau có thuốc sâu, sợ đi tiêm bác sỹ dùng thuốc “đểu”, sợ ra đường còi xe inh ỏi ảnh hưởng đến bào thai… toàn những nỗi lo vô cớ nhưng tựu chung lại, tôi sợ hãi những thứ vô hình có thể làm ảnh hưởng đến con.
Ngày nào tôi cũng cập nhật các thông tin về nuôi dạy con từ trong trứng, từ chuyện ăn cái gì, ngủ ra sao, kiêng kị thế nào… để cho con được phát triển tốt nhất ngay từ trong bụng mẹ. Chuyện “vợ chồng” ngay từ tháng thứ 3 tôi đã “cấm tiệt” chồng vì lo sảy thai. Chồng tôi là người hiền lành và tôn trọng vợ, thấy vợ lần đầu làm mẹ mà quan tâm đến con như vậy, anh cũng không trách cứ và nhịn luôn “chuyện ấy” để cho con được khỏe mạnh chào đời. (Sự thật anh có “nhịn” hay không thì tôi cũng không rõ và không quan tâm, vì điều tôi quan tâm duy nhất là sự an toàn của thai nhi đang thành hình trong bụng tôi mà thôi!).
Tôi bỏ qua mọi mối quan tâm khác vì chỉ nghĩ đến con. (Ảnh minh họa theo babies)
Đủ 9 tháng thì con trai chào đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người lần đầu làm mẹ là tôi và gia đình. Vì khung xương chậu hẹp, lại thiểu ối nên tôi được bác sỹ chỉ định sinh mổ. Trước khi làm thủ tục vào phòng mổ, tôi cẩn thận dặn dò chồng rằng, sau khi con ra đời thì phải đưa con cho cô H. (người em họ bên nhà chồng) là một người tài giỏi, xinh đẹp, lại viên mãn chuyện gia đình bế đỡ đầu, tuyệt đối không được đưa cho ai khác vì tất cả tuổi của mọi người trong gia đình đều không “hợp” tuổi của cháu, và thú thực là trình độ học vấn và hoàn cảnh của mọi người không được tốt, tôi sợ con tôi sẽ dính phải cái “dớp” ấy, suốt đời lại vất vả như ông bà bố mẹ thì tội nghiệp cho con.
Không ngờ sau khi con tôi vừa ra khỏi phòng thì bà nội đã chạy đến ôm lấy cháu đỡ đầu. Khi tôi vừa trở về phòng hậu phẫu, nghe được tin ấy, tôi đã sa sầm nét mặt, tỏ ngay thái độ không hài lòng với bà nội cháu nhưng ai cũng nghĩ do tôi đau đớn vì ca mổ nên cũng không ai để ý đến tâm trạng thực sự của tôi khi ấy.
Chồng tôi chăm sóc tôi và con được 2 hôm thì phải tiếp tục đi làm nên mọi việc đành để cho mẹ chồng tôi chăm sóc. Vốn đã không thiện cảm với mẹ chồng ngay từ khi lấy chồng (tôi luôn có ác cảm với các bà mẹ vì những kí ức ám ảnh thời thơ ấu), giờ lại thêm chuyện bà “lăng xăng” bế con tôi đỡ đầu nên tôi lại càng ghét mẹ chồng hơn. Nhìn móng tay cáu bẩn của bà mỗi khi bế cháu, tôi tưởng tượng ra một ổ vi khuẩn lây bệnh cho con, thế là nhất quyết tôi bắt bà để thằng cu xuống cạnh giường, đi rửa tay thật sạch rồi mới vào bế cháu.
Từ khi sinh cháu đến khi về nhà, tôi nằm viện cả thảy 5 ngày. Phần lớn thời gian là tôi nằm ngắm con, nhìn cái “hoài thai” của mình đã thành hình, khỏe mạnh… tôi cứ rưng rưng nước mắt, dù đau đớn vì hậu phẫu nhưng tôi vẫn giành quyền bế con, sữa chưa về nên con tôi phải ăn sữa ngoài, bà nội bảo để bà giúp nhưng tôi không muốn ai động vào con mình cả. Tôi muốn con được hưởng trọn tình yêu thiêng liêng từ người mẹ, tôi đã nghĩ rất ấu trĩ như thế.
>>> Xem thêm: Nuôi con hạnh phúc dưới góc nhìn khoa học
Rời viện về nhà là mọi người đến thăm. Tôi đọc trên mạng người ta bảo trẻ con mới sinh rất dễ nhiễm bệnh từ người lớn nên tôi rất sợ những bà hàng xóm hay bạn bè đến thăm. Vậy nên thấy ai đến chia vui và thăm bé là tôi nhắc khéo họ không được hôn hít con vì sợ lây bệnh, trước khi bế cũng phải rửa tay cho an toàn, sạch khuẩn. Nhiều người tỏ ngay ý không hài lòng với tôi, họ không chạm vào con tôi, chỉ đưa tiền mừng cho mẹ tôi rồi ra về. Sau này mẹ chồng tôi có nói lại nhưng tôi không quan tâm, điều tôi quan tâm là con tôi phải tuyệt đối an toàn, khỏe mạnh.
Tôi và mẹ chồng mâu thuẫn thường xuyên về chuyện chăm sóc bé. Từ chuyện tắm rửa bằng nước lá tôi không đồng ý đến chuyện bà hay bôi mật ong hoặc quấn bao nhiêu là tã vào người làm thằng bé phát ngốt… Tuy vậy, bà là người hiền lành nên cũng bỏ qua cho tôi.
Hết cữ, hai vợ chồng lại bồng con ra thành phố bắt đầu công việc. Chồng tôi thương vợ nên bảo tôi cứ ở nhà chăm con để anh đi kiếm tiền là được, tôi thương chồng vất vả nên cũng không nằm lì mà vẫn nhận đồ về vừa chăm con vừa làm nên thu nhập cũng ổn định.
Từ ngày có con, tôi không rời bé một phút một giây nào, lúc nào cũng chỉ muốn được ngắm con, được chơi với con và chăm sóc bé. Với tôi chả hạnh phúc nào bằng việc mình nuôi nấng, bảo vệ và chăm bẵm con mình. Tất cả những mối quan hệ khác tôi đều bỏ qua vì cảm thấy con tôi mới là quan trọng nhất.
Tôi có thể thắt lưng buộc bụng nhưng với con tôi không tiếc bé một thứ gì. Tất cả những gì con thích, hoặc tôi thấy đẹp, nghĩ con mình có thì nó sẽ rất vui là tôi mua ngay. Mẹ chồng tôi nhiều khi cứ càm ràm: “Trẻ con nhanh lớn, mua mấy cái đồ đắt tiền cho phí ra, để tiền mà lo cho nó sau này…” nhưng tôi không quan tâm, bởi bà không thể hiểu được cảm giác của một đứa bị mẹ bỏ rơi như tôi thèm khát được mẹ quan tâm và yêu thương thế nào…
Tôi cứ bao bọc con mình trong một cái thế giới “vô trùng” như thế, ít giao tiếp với bên ngoài vì tôi sợ mọi người làm tổn thương bé, hoặc lo xa những chuyện kinh khủng như: Sợ bé bị tai nạn, sợ nhiễm bệnh, sợ bé bị bắt cóc, sợ bị các bạn cùng lớp bắt nạt… nên năm nay cháu 4 tuổi rồi mà tôi vẫn chần chừ chưa muốn cho cháu đi học mẫu giáo mà chỉ chơi với mấy đứa trẻ con loanh quanh nhà.
Mỗi ngày con lớn là một ngày tôi bắt đầu đối diện với sự phát triển về tính cách của con. Bé rất bám mẹ và thờ ơ với mọi người, kể cả bố. Tôi đi đâu, làm gì dù là trong phạm vi nhà nếu một lát không thấy mẹ là con mếu máo đi tìm, phải nhìn thấy mới nín. Rồi càng lớn bé càng bướng, người lớn nói mà không nghe, chỉ thích làm theo ý mình. Tôi rất phật ý nhưng chỉ nói nhẹ nhàng vì không muốn dạy con bằng đòn roi, nhưng nhiều khi bé nghe ai nói bậy về nhà bắt chước thế là bị bố đánh, thật không ngờ là cháu lao vào đánh lại vào cào cấu, ăn vạ, gào thét rất khủng khiếp, đến khi mệt lả người đi mới thôi.
Vợ chồng tôi gần đây thường xuyên mâu thuẫn về cách giáo dục con, mỗi khi cháu làm sai thì chồng tôi thường quay ra chì chiết là “con hư tại mẹ…” khiến tôi rất buồn.
Nuôi một đứa trẻ thật quá khó khăn, cứ tưởng cho con những gì con muốn, yêu con bằng cả trái tim mình thì con sẽ nên người… Ai ngờ giờ con lại bướng bỉnh, ỷ lại và khó bảo thế này. Tôi thực sự bối rối khi nghĩ đến cách sửa sai để con có thể phát triển một cách toàn diện và độc lập, trưởng thành hơn…
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.