Trong suốt quá trình nuôi dạy trẻ, tôi luôn tin tưởng rằng bất cứ trẻ nào cũng cần ăn và muốn ăn, khác nhau chỉ là thời điểm và số lượng mà thôi.
Tôi sinh con gái đầu lòng năm 21 tuổi. Nhắc đến thời kỳ này, quả thực tôi không hề mảy may có ký ức về chuyện con lười hay bỏ ăn. Tôi xuất thân từ gia đình trung nông, học sư phạm nên ít nhiều cũng có kiến thức về chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Thế nhưng ở thời đó vì tôi phải đi làm xa từ sáng sớm lúc con vừa tròn 3 tháng (theo đúng quy định nghỉ đẻ của nhà nước) thành ra tôi phải cho con ăn sam (ăn dặm) ngay từ lúc này.
Dù phải cho con ăn sam sớm song tôi không khuyến khích điều này
(Ảnh: Daddylibrary)
Thời gian đầu, cứ 4 giờ sáng tôi dậy ninh 1 nồi cháo thập cẩm (gồm gạo nếp, gạo tẻ, khoai tây, khoai lang… thành phần thay đổi theo mùa nào thức ấy và nhà có gì thì nấu ấy) rồi lọc qua vải màn lấy nước pha với sữa bò rồi ủ vào chăn. 6h con dậy, mẹ cho con bú no nê rồi đi làm, đến tầm 9h thì bà nội ở nhà lôi bình ủ ra cho bú, đợi mẹ đến 11h trưa về cho bú mẹ. Chiều và tối mẹ ở nhà thì vẫn tiếp tục bú mẹ (tôi là cô giáo nên chỉ đi làm 1 buổi). Cứ ăn thế đến tầm 5-6 tháng thì tôi cho ăn cháo không cần lọc qua vải màn, đến 8-9 tháng thì chuyển qua ăn bột (bột thực chất khó tiêu hơn cháo, lại đặc hơn nên đến tận hơn 8 tháng tôi mới cho con ăn). Đúng 1 tuổi thì cháu ăn cơm cùng với gia đình (ngày xưa mọi người hay nhai cơm nhưng tôi bỏ qua vì tôi toàn nhai rồi nuốt hết luôn cộng thêm cảm giác không vệ sinh nên tôi không cho cháu ăn cơm nhai), chỉ khác là đồ ăn mềm hơn và được ưu tiên hơn (hồi đó nghèo, cả gia đình chỉ có ông nội và cháu là được ưu tiên ăn trứng gà hay phần cá nạc, thịt nạc…). Ban đầu là mẹ đút sau cháu tự xúc thìa ăn, ăn bao nhiêu tùy ý. Như vậy cháu chỉ có 9 tháng tập ăn. Ở thời đó, làm như tôi được coi là “khoa học” và kết quả cháu ăn tốt, không kén ăn, phát triển bình thường (tròn 18 tuổi cháu đạt chiều cao 1m65, nặng 49,5 kg).
Hầu hết các cháu ở khu nhà tôi thời ấy đều biết xúc thìa sớm nếu so sánh với bây giờ
(Ảnh: Daddylibrary)
Kể chuyện “thời xưa” để các bạn thấy ở thời kỳ rất nghèo của thập kỷ 80, chúng tôi chăm con cũng không đến mức thiếu hiểu biết. Ngược lại chúng tôi còn có nhiều cái hơn so với nhiều gia đình trẻ hiện nay, đó là bố mẹ và con chẳng hề có áp lực không hề có cảnh khóc lóc hay quát nạt để ăn và đặc biệt không hề có tình trạng ăn cháo xay tới tận 2-3 tuổi như bây giờ. Có thể thời đó thiếu thốn nên ai ai cũng quý đồ ăn và thái độ này của người lớn đã ảnh hưởng rất nhiều tới con trẻ, khiến trẻ cũng rất coi trọng đồ ăn.
Sau này, tôi có một thời gian công tác tại 1 trường mầm non, có điều kiện tiếp xúc với nhiều cháu thì tôi càng thấy rõ hơn. Thời kỳ bao cấp, các trường mầm non hay được cấp bột dinh dưỡng nấu cho trẻ (hay gọi là bột “pam”) hoặc đôi khi có những bữa ăn trưa bổ sung dinh dưỡng (thường là xôi đậu, thịt ba chỉ luộc và chuối). Mỗi khi tổ chức được bữa ăn ở trường là các cháu ăn thun thút, rơi vãi một tí tẹo cũng nhặt lên ăn. Cả lớp rộn ràng, vui vẻ lắm.
Nếu nói lý do là chả mấy khi các cháu được ăn nên ăn ngon cũng đúng (bình thường nhà trẻ không nấu ăn cho các cháu như bây giờ, đến bữa là trả trẻ về nhà ăn, chiều lại ra lớp) nhưng theo tôi lý do quan trọng hơn nữa là sống trong 1 môi trường quý đồ ăn, trân trọng đồ ăn thì ắt sẽ ảnh hưởng tới trẻ, khiến trẻ vì thế cũng thích được ăn và ở đây chúng tôi cũng không ép trẻ ăn (có nhiều đâu mà ép, không ăn là hết phần). Chính vì 2 lý do này mà các cháu được ăn với niềm vui sướng và theo đúng nhu cầu của bản thân.
Ăn được coi là 1 trong 4 cái sướng của con người
cớ sao trẻ lại không được hưởng niềm vui khi ăn?
(Ảnh: the Asianprts)
Do đó, trong suốt quá trình nuôi con và theo dõi các cháu ăn dặm, tôi rút ra được một số kinh nghiệm như sau:
– Ăn là nhu cầu bản năng ở người, ở trẻ cũng vậy thôi, trẻ sẽ ăn khi đói. Nếu trẻ không ăn sẽ do 2 nguyên nhân chính hoặc là trẻ không có nhu cầu ở thời điểm đó hoặc trẻ đang bị ốm.
– Cho trẻ chơi nhiều, vận động nhiều, tăng cường trao đổi chất để kích thích ăn uống. Một em bé vui tươi, ưa vận động thường sẽ ăn nhiều, ăn ngoan và ăn vui hơn những trẻ thụ động, ít vận động
– Bố mẹ cần tạo lập một môi trường yêu quý và coi trọng đồ ăn ở trẻ. Đưa cho trẻ vừa đủ đồ ăn, không vứt vãi, dễ gây nên tình trạng coi thường đồ ăn ngay từ trong tiềm thức.
– Yêu cầu trẻ thử cả những thứ trẻ không thích. Điều này đối với tôi rất quan trọng vì nó sẽ loại bỏ được tính “khảnh ăn” của trẻ sau này. Trẻ cần phải thử và cần biết đây cũng là đồ ăn và đồ ăn này rất tốt, nếu con không thích con có thể ăn ít nhưng con không được ghét hoặc “tẩy chay” món đó.
– Việc ăn uống của trẻ nên phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Tôi nghĩ không nhất thiết phải thay đổi quá nhiều món nhằm để “dụ dỗ” trẻ ăn. Điều này về lâu dài là không tốt vì tạo ra tính thích đòi hỏi ở trẻ về sau. Như tôi đã nói ở trên, ăn là một nhu cầu rất bản năng, vì thế trẻ sẽ ăn khi trẻ đói, kể cả đồ ăn đó rất bình dân (con gái tôi lúc 5 tuổi đã ăn hết 1 bát cơm nguội khô khốc mà không cần đồ ăn khi mẹ có việc đột xuất chưa kịp nấu cơm).
– Nên tạo lập một chế độ ăn điều độ theo giờ giấc. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng, không vì trẻ lười ăn mà bữa ăn kéo dài. Bữa này trẻ không ăn, khắc trẻ sẽ ăn bù bữa sau, ngày hôm nay trẻ không ăn thì sẽ ăn bù ngày khác. Bữa ăn nên kết thúc theo gia đình, để trẻ thấy ăn là một “cơ hội” , không phải là “nhiệm vụ”.
Những kinh nghiệm ở trên tôi cũng đã áp dụng cho cháu trai của mình ở thời điểm hiện tại và kết quả cũng khá tốt. Cháu 17 tháng, ăn uống thường xuyên vui vẻ (chỉ mè nheo khi ốm mệt), biết tự xúc ăn cơm, bún, phở, dù vẫn còn rơi vãi nhưng đến bữa ăn là rất thích thú tự nguyện ngồi vào ghế. Ba mẹ cháu đi làm rất bận, việc chăm cháu đều do tôi là chủ yếu nhưng (trộm vía) bà cháu tôi rất “hợp tác” và luôn cảm thấy vui vẻ trong chuyện ăn uống.
Hoa Đào
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.