Cảnh báo ốc sên
Ốc sên đang là một sản phẩm hót bởi có nhiều tác dụng làm đẹp. Nhiều chị em không ngần ngại cho ốc sên bò lên mặt để lấy dịch nhày từ ốc sên đắp mặt cải lão hoàn đồng cho da.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo cách làm này rất nguy hiểm, thậm chí ăn ốc sên xào, ốc sên nướng vẫn có thể nhập viện.
Anh Nguyễn Trung Kiên trú tại Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội kể anh vừa được thưởng thức món ốc sên xào sau chuyến công tác dài ngày ở miền Trung. Anh Kiên cho biết bình thường ốc sên nhìn rất hãi nhưng khi được người đầu bếp sơ chế rất ngon.
Tại nhiều nơi ở Hà Nội người ta vẫn quảng cáo công dụng tuyệt với của ốc sên có tác dụng dưỡng khớp, làm đẹp. Chất nhày của ốc sên được coi là thần dược chăm sóc da.
Tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Văn Đề – Nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng – Trường đại học Y Hà Nội cho biết ông gặp trường hợp của hai chị em ở Hà Giang cùng bảo nhau ăn ốc sên để chữa thấp khớp.
Kết quả, hai chị em đều nhập viện Bạch Mai vì bị viêm não do nhiễm giun từ ốc sên. Cả hai chị em đều phải nằm viện cấp cứu cả tháng trời, bệnh vẫn để lại nhiều di chứng nặng nề.
Trường hợp của bệnh nhân Vũ Thị Nên trú tại Bắc Giang đến khám tại phòng khám của giáo sư Đề với một bên mắt sưng húp, đau cộm.
Chị Nên được bác sĩ khoa Mắt của Bệnh viện Bạch Mai cho biết bị ký sinh trùng vào mắt và giới thiệu qua khám chuyên khoa ký sinh trùng.
Tại phòng khám của Giáo sư Đề, chị Nên đã được gắp ra một con giun lươn. Loài giun này thường trú ngụ ở phân chó, phân mèo và ấu trùng đã ẩn vào con ốc sên. Chị Nên lấy ốc sên cho bò lên da với hi vọng chữa tàn nhang đã bị con giun bò vào mắt.
Giáo sư Đề cảnh báo giun từ ốc sên rất nguy hiểm. Ngoài ra, bản thân ốc sên cũng là đường truyền rất nhiều bệnh ký sinh trùng khác. Thói quen ăn ốc sên coi rằng bổ khớp, tạo chất nhày chống khô khớp chưa được kiểm chứng có thể rước thêm họa của bệnh này.
Ốc sên mang hàng trăm bệnh
Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế thì việc nhiễm ký sinh trùng từ ốc sên ngày càng tăng, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam.
Tại Việt Nam, một số trường hợp viêm não, màng não nghi ngờ do A. cantonensis cũng được ghi nhận và báo cáo từ năm 1960. Mỗi năm khoảng 70-100 ca được phát hiện trên phạm vi toàn quốc.
Nguy cơ xuất hiện bệnh đang có chiều hướng gia tăng do thói quen ăn sống, ăn tái ốc sên, ốc bươu tự nhiên nhiễm ấu trùng giun tròn.
Đến thời điểm này chưa có thuốc đặc trị, chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm màng não do giun A.cantonensis kể cả các thuốc chống giun sán.
Đối với ốc sên tự nhiên, đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác dụng của ốc sên để ‘chữa bệnh’ hoặc dùng để ‘dưỡng khớp’ hay ‘làm đẹp’.
Và cũng chưa có bất kỳ hướng dẫn chính thức nào khuyến cáo sử dụng để làm thực phẩm do ‘độc hại’ của ốc sên.
Ấu trùng gây bệnh viêm màng não do nhiễm giun Angiostrongylus cantonensis (A. cantonensis) thường trú ngụ ở ốc sên với những biểu hiện hội chứng não-màng não như đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn, kích thích màng não.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị viêm các dây thần kinh gây liệt mặt, mắt nhìn đôi, rối loạn cảm giác, những trường hợp nặng có thể biểu hiện co giật, liệt, nói lảm nhảm, mất thăng bằng, mất trí nhớ, hôn mê. Bệnh kéo dài vài ngày đến vài tháng có thể dẫn đến tử vong…
Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm giun A. cantonensis, đây là một loại giun tròn ký sinh ở phổi chuột và chuột thải ấu trùng giun ra ngoại cảnh qua phân. Ngoài môi trường, ấu trùng ký sinh ở vật chủ trung gian là các loại nhuyễn thể ở đất hoặc ở biển.
Do đó người khi ăn phải ốc sên, dính chất nhờn của ốc có ấu trùng, uống nước lã có ấu trùng sẽ bị nhiễm loại giun này. Ấu trùng giun A. cantonensis vào cơ thể người sẽ ký sinh ở não hoặc đến các phủ tạng khác, chủ yếu ký sinh ở hệ thần kinh trung ương.
Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị, chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm màng não do giun A.cantonensis kể cả các thuốc chống giun sán.
Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế khuyến cáo: Tuyệt đối không theo lời ‘đồn đại’ hay ‘kinh nghiệm’ để sử dụng hoặc ‘thử sử dụng’ ốc sên, ốc bươu, ốc ma tự nhiên để chế biến thành thức ăn với bất cứ mục đích nào.
Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, nấu chưa chín kỹ hoặc nấu chín nguyên con không qua sơ chế, vệ sinh sạch sẽ đối với ốc, sò tự nhiên.
Người dân nên vệ sinh môi trường, diệt chuột, diệt ốc sên, ốc bươu… ở khu dân cư sinh sống để cắt đứt vòng đời sinh học của giun tròn A.cantonensis, phòng tránh nguy cơ gây mắc bệnh cho người.
Nguồn: Theo songkhoe.vn
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.