Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện, việc nuôi, trồng bằng công nghệ biến đổi gene đang tạo ra các loại siêu cỏ và sinh vật gây hại siêu kháng thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, họ trấn an rằng, thực phẩm biến đổi gene nhìn chung vẫn an toàn cho việc hấp thụ của con người.
Nghiên cứu mới từ Viện Khoa học quốc gia Mỹ hé lộ, nhiều hứa hẹn của công nghệ nuôi, trồng biến đổi gene đã không phát huy trong thực tế. Đặc biệt, các chuyên gia kết luận, sự xuất hiện của các giống cỏ và sinh vật gây hại đột biến do công nghệ nuôi, trồng biến đổi gene là “một vấn đề nông nghiệp nghiêm trọng”.
Trong một số trường hợp, các loại siêu cỏ đã xâm lấn nhiều vùng diện tích rộng lớn, trước đây từng là đất nông nghiệp năng suất ở Bắc Mỹ. Các nông dân đã phải nhờ cậy đến những biện pháp xử lý quyết liệt, kể cả phun các hóa chất vô cùng độc hại như DDT và thậm chí sử dụng cả các súng phun lửa, để cố gắng loại bỏ chúng.
Dư luận vẫn còn nhiều nghi ngại về mức độ an toàn cũng như ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gene đối với môi trường và sức khỏe của con người. (Ảnh: Alamy).
Hiện cũng có bằng chứng cho thấy, một số côn trùng gây hại đã phát triển khả năng đề kháng các chất độc cài cắm vào cây trồng biến đổi gene. Vì vậy, chúng đã sống sót để gây tổn hại nghiêm trọng đến các cây trồng có giá trị cao, chẳng hạn như cây bông biến đổi gene đang được trồng ở Ấn Độ.
Các cây trồng biến đổi gene được phát triển lần đầu tiên cách đây hơn 20 năm, với những hứa hẹn sẽ gia tăng sản lượng, cắt giảm việc phun xịt hóa chất và cải thiện lợi nhuận của người nông dân.
Một nhóm các cây trồng, chẳng hạn như đậu tương và ngô, đã được cài cắm thêm gene để khiến chúng miễn dịch trước những hóa chất diệt cỏ như glyphosate. Về lý thuyết, các nông dân sau đó có thể tưới đẫm cây trồng biến đổi gene của họ bằng hóa chất diệt cỏ, giúp chúng sinh trưởng tốt. Song, nhiều loại cỏ, chẳng hạn như giống Palmers pigweed có thể cao tới 2,1 mét, thường phát triển khả năng chống glyphosate, một đặc tính cũng được trang bị cho hầu hết các cây trồng biến đổi gene, khiến chúng ta rất khó kiểm soát chúng.
Một nhóm cây trồng thứ hai, chẳng hạn như cây bông và ngô, được cho thêm một độc tố có tên gọi là Bt nhằm tiêu diệt bất kỳ sinh vật gây hại nào ăn cây. Tuy nhiên, giống sâu bướm màu hồng chuyên ăn bông vải và ngũ cốc đã phát triển khả năng đề kháng Bt trong cây bông biến đổi gene.
Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện: “Bằng chứng cho thấy, ở những nơi trồng các loại cây trồng biến đổi gene kháng côn trùng nhưng không tuân thủ các phương pháp kiểm soát sự đề kháng, một số loại côn trùng đã tiến hóa mức đề kháng gây hại”.
Trước những vấn đề nêu trên, các chuyên gia kết luận rằng, cần phải có các cơ chế hoạch định chính sách nghiêm ngặt trong việc khám, chữa bệnh cho các cây trồng mới cũng như cách nuôi dưỡng chúng.
Nhiều người phản đối cây trồng biến đổi gene đã bày tỏ lo ngại về các ảnh hưởng của chúng.
Nhiều người phản đối cây trồng biến đổi gene đã bày tỏ lo ngại về các ảnh hưởng của chúng đến môi trường và sức khỏe của con người. Nghiên cứu mới trấn an rằng, nhìn chung các chuyên gia chưa phát hiện bằng chứng đáng tin cậy về mối quan hệ nhân – quả giữa cây trồng biến đổi gene với các vấn đề về môi trường. Song, bản chất phức tạp của việc đánh giá các thay đổi môi trường dài hạn thường khiến họ rất khó đưa ra những kết luận chắc chắn.
Về ảnh hưởng đối với sức khỏe con người, Viện Khoa học quốc gia Mỹ nói, mặc dù các nghiên cứu bệnh dịch dài hạn không trực tiếp xem xét việc hấp thụ các thực phẩm biến đổi gene, nhưng các dữ liệu bệnh dịch học sẵn có không cho thấy mối liên hệ giữa bất kỳ căn bệnh hay tình trạng mạn tính nào với việc hấp thu thực phẩm biến đổi gene. Do đó, họ cho rằng không có căn cứ khoa học để dán nhãn phân biệt các thực phẩm chứa thành phần biến đổi gene, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng, bim bim hay thức ăn sẵn.
Anh và một số nước châu Âu khác đã thông qua luật yêu cầu phải dán nhãn cho các sản phẩm có chứa thành phần biến đổi gene. Song, tại Mỹ, người ta vẫn đang còn tranh cãi về việc liệu các công ty thực phẩm và siêu thị có nên học theo cách làm này hay không.
Theo Vietnamnet