Ánh sáng chói lòa bí ẩn trên bầu trời Nga

Các sinh vật đột biến kỳ lạ

Người dân ở tỉnh Sverdlovsk của Nga chứng kiến và ghi lại hình ảnh luồng ánh sáng mạnh lan tỏa trên bầu trời, tuy nhiên các nhà khoa học hiện chưa thể giải thích cho hiện tượng này.

>>> Video: Ánh sáng lạ trên bầu trời Brazil

Theo RT, bầu trời tối đen ở thị trấn Rezh chuyển sang màu vàng cam vào tối 14/11. Không có sự cố hay tai nạn nào liên quan, âm thanh nổ cũng không được ghi nhận.

Giả thiết về luồng sáng bí ẩn được thảo luận trên các phương tiện truyền thông, với ý kiến thiên về xuất hiện của thiên thạch hoặc tập trận quân sự trong khu vực. Các quan chức của cơ quan khẩn cấp và chính quyền thành phố nhận định đây là hoạt động xử lý vật liệu nổ. Tuy nhiên, quân đội bác bỏ ý kiến này.

Ánh sáng chói lòa bí ẩn trên bầu trời Nga
Bầu trời đêm ở thị trấn Rezh chuyển sang màu vàng với sự xuất hiện của luồng ánh sáng mạnh hôm 14/11. (Ảnh: RT)

“Không có hoạt động tập trận hay huấn luyện được thực hiện trong ngày hôm đó, và cũng không có đơn vị nào đóng căn cứ ở khu vực này, vì vậy chúng tôi không liên quan gì đến sự việc”, trang E1.ru dẫn báo cáo của bộ phận truyền thông quân đội cho hay.

Ý kiến khác cho rằng đây là sự xuất hiện của cầu lửa, hình thành sau va chạm của một tiểu hành tinh với bầu khí quyển Trái Đất. Tuy nhiên theo nhà thiên văn học Vadim Krushinsky, cầu lửa thường trắng và sáng hơn, không phải ánh sáng vàng cam.

Một vụ phóng tên lửa không gian cũng được cho là nguyên nhân, dựa trên vị trí của đường băng phóng ở sân bay vũ trụ Plesetsk trong khu vực. Mặc dù vậy, trang web của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga chỉ công bố thông tin vụ phóng mới nhất hôm 29/10, và hoạt động tiếp theo dự kiến vào 24/11.

Tỉnh Sverdlovsk nằm trên sườn phía đông của dãy Ural. Hơn một năm trước, vụ nổ thiên thạch cực lớn từng gây thiệt hại nặng nề cho người dân ở các tỉnh Chelyabinsk, Tyumen, Kyrgan, Sverdlovsk, cũng như nhiều địa phương ven dãy núi.

Ngày 15/2 năm ngoái, khối thiên thạch có đường kính khoảng 15 mét lao vào khí quyển với vận tốc 64.000km/giờ và phát nổ ở độ cao 19-24km so với mặt đất. Nguồn năng lượng khi phát nổ ước tính tương đương với vụ nổ của khoảng 300-500.000 tấn thuốc nổ TNT, và mạnh hơn gấp 30 lần so với sức mạnh của quả bom từng rơi xuống Hiroshima, Nhật Bản, năm 1945.

 

Theo Vnexpress, RT/Youtube