Những vầng sáng không rõ nguồn gốc liên tục lóe lên trên bầu trời đêm ở Mexico giữa trận động đất mạnh nhất trong vòng 100 năm ở nước này.
Ánh sáng khác thường trong động đất ở Mexico. (Video: Twitter.)
Cảnh tượng bầu trời xuất hiện nhiều vầng sáng lóe lên ở thành phố Mexico City, Mexico, trong khi trận động đất mạnh 8,1 độ Richter làm rung chuyển đất nước vào tối qua được nhiều nhân chứng ghi lại, theo Fox News.
Những tia sáng nhiều màu trắng, hồng, xanh lá cây, xanh lam, nối nhau vụt sáng bên trên các tòa nhà cao tầng, làm dấy lên nhiều suy đoán trên mạng xã hội. Cộng đồng mạng đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích về nguồn gốc của chúng, từ giông bão, hiện tượng liên quan tới Mặt Trời và thậm chí hình phản chiếu từ ánh đèn trong thành phố.
Một cách giải thích khả thi là ánh sáng động đất, những chớp nháy hiếm gặp trên bầu trời xảy ra trong cơn địa chấn. Theo National Geographic, một nghiên cứu vào năm 2014 của các nhà khoa học chỉ ra ánh sáng này do tính phóng điện của một số loại đá gây ra.
Những ánh sáng đôi khi có thể mang nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau, theo Friedemann Freund, giáo sư vật lý trợ giảng ở Đại học San Jose kiêm nhà nghiên cứu cấp cao ở Trung tâm Ames của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Các giả thuyết trước đó cho rằng ánh sáng trên có thể là kết quả của từ trường Trái Đất bị gián đoạn bởi áp lực lên mảng kiến tạo. Nhưng Freund không đồng tình với giả thuyết này. “Khi tự nhiên gây áp lực lên một số loại đá, điện tích được kích hoạt như thể bạn bật một bộ ắc-quy trong vỏ Trái Đất”, Freund nói.
Đá basan và đá gabro được cho là có thể phóng điện bởi chúng có những khiếm khuyết nhỏ trong mạng tinh thể và va đập với sóng địa chấn, chúng có thể giải phóng điện tích.
Đây là những loại đá có nhiều trong các kết cấu dọc dưới lòng đất ở một số nơi. Sự tích điện có thể kết hợp và tạo thành một trạng thái tương tự plasma, có thể di chuyển ở tốc độ rất cao và bùng phát trên mặt đất để phóng điện vào không khí tạo ra loạt chớp sáng ấn tượng