Những con chuột đột biến gene có thể được thả trên khắp nước Anh để đối phó với vấn nạn chuột ngày càng gia tăng.
Các chuyên gia ở Đại học Edinburgh, Anh, cho rằng quá trình mang tên “phát động gene” (gene drive) có thể giúp xử lý đại dịch chuột, Telegraph hôm qua đưa tin. Thông qua lan truyền gene vô sinh trong quần thể, quá trình này có thể dẫn đến sụt giảm nghiêm trọng về số lượng trong vài thế hệ. Triển vọng của phương pháp mới được nhóm nghiên cứu giới thiệu trong một bài báo đăng trên tạp chí Cell Press.
Những con số do nhà chức trách công bố tuần trước cho thấy các hội đồng ở London nhận được 100 khiếu nại về chuột cống và chuột nhắt mỗi ngày. Một số địa phương báo cáo số lượng chuột tăng 10% từ năm ngoái. Hơn 10 triệu con chuột cống đang sinh sống trên khắp nước Anh và chi phí diệt chuột lên đến 1,6 triệu USD mỗi năm.
Một con chuột lớn ngoại cỡ bắt ở Humberston, Lincolnshire. (Ảnh: SWNS).
Phần lớn chuyên gia xử lý vật gây hại sử dụng thuốc diệt chuột, nhưng chuột cống nhanh chóng phát triển khả năng đề kháng với cả những chất độc mạnh nhất. Sử dụng thuốc diệt chuột cũng có thể gây hại cho nhiều vật nuôi và động vật khác.
Phương pháp phát động gene từng được thử nghiệm ở loài muỗi, giúp kiểm soát các dịch bệnh như sốt rét và zika. Các nhà khoa học muốn tìm hiểu phương pháp này có phát huy tác dụng ở động vật có vú hay không.
Công nghệ sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene Crispr, một quá trình tự nhiên trong đó vi khuẩn chiến đấu với virus bằng cách cắt mất ADN của chúng. Những con chuột sẽ được biến đổi gene trong phòng thí nghiệm trước khi thả vào tự nhiên, nơi chúng có thể giao phối với quần thể bản xứ.
“Lần đầu tiên chúng tôi có sẵn công nghệ có thể giảm bớt hoặc diệt trừ quần thể vật gây hại theo cách nhân đạo và nhắm vào loài cụ thể. Crispr có thể là công cụ thú vị nhất trong sinh học, và là một công cụ tuyệt vời để tách riêng các chức năng của gene. Đã đến lúc khám phá công nghệ này có thể làm được những gì”, giáo sư Bruce Whitelaw ở Viện Roslin thuộc Đại học Edinburgh, chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu đề xuất sử dụng kỹ thuật “loại bỏ nhiễm sắc thể X” cho loài chuột. Động vật có vú đực có cả hai nhiễm sắc thể giới tính X và Y, trong khi con cái cần hai nhiễm sắc thể X. Các nhà khoa học muốn chèn mã “loại nhiễm sắc thể X” vào ADN của chuột đực, giúp phá hủy nhiễm sắc thể X trong tinh trùng của chúng. Như vậy, chúng chỉ có thể truyền lại nhiễm sắc thể Y, khiến con non không bao giờ là con cái. Khi số lượng con cái trở nên ngày càng ít theo thời gian, quần thể chuột sẽ suy giảm.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không loại trừ khả năng những con vật biến đổi gene có thể thoát khỏi quần thể cần nhắm đến và tác động tới các hệ sinh thái ngoại lai.
“Đây là một công nghệ mới nổi, vì vậy có nhiều rủi ro liên quan và chúng tôi đang tìm cách hiểu rõ hơn những rủi ro đó. Một trong những rủi ro lớn nhất mà chúng tôi lo ngại là nếu áp dụng công nghệ này, chúng tôi nhắm tới một loài động vật và nó lan sang một cá thể nằm ngoài mục tiêu. Bạn nhắm vào chuột cống ở New Zealand và tác động có thể lan tới châu Á, dẫn đến những hậu quả sinh thái khó lường trước. Nhưng chúng tôi có thể áp dụng những biện pháp giảm nhẹ hậu quả nếu điều này xảy ra”, Gus McFarlane, nghiên cứu sinh hệ tiến sĩ ở Viện Roslin, cho biết.
Theo VnExpress