Ấu trùng ong bắp cày tấn công hệ thần kinh nhện, kết lưới và tạo kén

0
116

Bằng cách cướp đi hệ thống thần kinh của nhện, một ấu trùng ong bắp cày đã có thể thao túng loài vật này để làm cho nó một mạng lưới vững chắc hơn, theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí The Journal of Experimental Biology. Các nhà khoa học cho rằng quá trình ấu trùng ong Reclinervellus nielseni kiểm soát “cơ quan điều khiển” của loài nhện Cyclosa argenteoalba hoàn toàn không quá phức tạp.

Ấu trùng ong bắp cày tấn công hệ thần kinh của nhện và tạo kén vững chắc

Đầu tiên, cá thể ong cái trưởng thành phải tấn công một con nhện để nó có thể đẻ trứng lên bụng của nhện. Khi trứng nở, ấu trùng ong nuôi bản thân bằng cách hút huyết tương của nhện. Và cũng có lẽ đây là giai đoạn xâm chiếm tâm trí bắt đầu xảy ra; các nhà nghiên cứu nghĩ rằng ấu trùng đã “tiêm” vào nhện các chất làm thay đổi hành vi xây dựng mạng lưới của nó. Do đó, khi ấu trùng ngày càng phát triển, nó chỉ đạo cho con nhện làm ra một loại lưới đặc biệt. Ngay sau khi nhiệm vụ hoàn tất, ấu trùng tiêu diệt nhện, dùng lưới có sẵn từ trước để tạo thành một cái kén, giúp nó có thể ngủ đông trong khoảng 10 ngày, trước khi đến giai đoạn trưởng thành.

Ấu trùng ong bắp cày tấn công nhện

Tất nhiên, sự khác biệt về độ bền của mạng lưới nói trên có thể hoàn toàn là ngẫu nhiên, theo nhận định của Sophie Labaude, một nhà sinh thái học tại Đại học Burgundy (Pháp). Bà cho rằng nếu thực sự ấu trùng hình thành cái kén bằng cách tiêm hóa chất vào cơ thể nhện, thì chính những chất hóa học này, với liệu lượng phù hợp đã hòa vào các hormone tự nhiên của nhện, từ đó tạo ra sự khác biệt. Và bởi vì nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm, nên thật khó để biết kết quả sẽ như thế nào nếu quá trình diễn ra trong tự nhiên. Nhìn chung, cô Sophie nói nghiên cứu này thật sự thú vị và nó mang tính gợi mở nhiều điều.

The Verge cho biết mối quan hệ kỳ lạ này đã được các nhà khoa học phát hiện ra cách đây những 15 năm, tuy nhiên mãi đến hiện tại thì tấm màn bí ẩn đằng sau bản chất của mạng lưới mới dần được hé lộ. Theo đó, tấm lưới mà nhện tạo ra sau khi bị chiếm quyền kiểm soát bản thân, rất giống với loại lưới mà loài này thường sử dụng trong quá trình lột xác. Tuy nhiên nó không phải là một bản sao, bằng chứng là mạng lưới mới hình thành bền hơn rất nhiều. Chính vì điều đó, những con ong bắp cày cái mới quyết định đẻ trứng trên bụng nhện, nhằm đảm bảo an toàn ở mức tối đa có thể cho thế hệ sau.

Kén của ấu trùng được tạo ra ngày càng vững chắc hơn

Trong thế giới động vật có khá nhiều những mối quan hệ thú vị như thế được tìm thấy. Chẳng hạn, các nhà khoa học đã nhận biết loại ký sinh trùng bắt kiến làm “nô lệ” sau đó ăn những đứa con của chính nó. Hay những con sán Killifish tồn tại và sinh sản bên trong hộp sọ của cá, sau đó chi phối hành vi bơi của loài này, khiến nó dễ bị bắt bởi những động vật săn mồi khác như chim.

Chung quy, hầu hết các mối quan hệ như trên đều có 1 đặc điểm, đó chính là các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải cặn kẽ vì sao chúng lại diễn ra như vậy. Keizo Takasuka – nhà sinh vật học tại Đại học Kobe (Nhật Bản) và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Mặc dù chúng tôi có thể tiết lộ lý do tại sao các ấu trùng ong lại chiếm quyền kiểm soát của nhện, nhưng nó đã làm điều đó như thế nào vẫn còn là một dấu chấm hỏi”.

 

Theo Tinh tế