Các nhà địa chất Ba Lan ngày 30/10 cho biết đã khai quật thành công khối thiên thạch lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực Đông Âu.
Đây được xem là phát hiện mới cung cấp những đầu mối quý giá cho giới khoa học nhằm khám phá các thành phần có trong lõi Trái Đất.
Bằng thiết bị điện tử dò tìm các vật thể dị thường trên bề mặt Trái đất, Giáo sư Andrzej Muszynski và đồng nghiệp thuộc trường đại học Adam Mickiewicz tại Poznan đã phát hiện ra khối thạch bằng sắt hình nón, có khối lượng 300kg với đường kính khoảng 2m tại Khu bảo tồn Thiên thạch Morasko (MMR) thuộc miền Bắc tỉnh Poznan, Balan.
Thành phần chính của khối thiên thạch chủ yếu là sắt và có những dấu hiệu cho thấy có cả niken. Các nhà nghiên cứu dự đoán rất có thể “vị khách vũ trụ” này đã rơi xuống Trái Đất cách đây khoảng 5.000 năm.
Phát biểu tại khu vực khai quật, Giáo sư Andrzej Muszynski chia sẻ: “Chúng tôi biết lõi Trái đất chứa sắt, nhưng chưa có cơ hội để kiểm tra điều đó, khối thiên thạch mới có cấu trúc tương tự như lõi Trái đất và giờ đây chúng tôi có thể dễ dàng kiểm chứng”.
Phát hiện mới sẽ mở ra cho giới nghiên cứu địa chất cơ hội mở rộng kiến thức thực tế về nguồn gốc bi ẩn của vũ trụ.
Nằm tại khu vực phía bắc tỉnh Poznan, Khu bảo tồn thiên thạch Morasko chứa bảy hố thiên thạch. Hố lớn nhất có đường kính gần 100m và chiều sâu 11m.
Các nhà khoa học tin rằng khu vực thiên thạch này hình thành cách đây khoảng 5.000 năm khi các khối thiên thạch va chạm vào Trái đất chúng ta. Từ trước tới nay, khu bảo tồn Morasko đã ghi nhận khoảng 1.500kg các khối thiên thạch nhỏ.
Theo Vietnam+