Biển băng tan chảy hết sẽ dẫn đến thảm họa thời tiết ở phần lớn các nước thuộc Bắc bán cầu và đẩy nhanh quá trình ấm lên toàn cầu.
Các nhà khoa học cảnh báo Bắc Băng Dương có thể sẽ không còn là biển băng lần đầu tiên trong vòng 100.000 năm nếu con người không có biện pháp hạn chế tốc độ ấm lên toàn cầu ở mức 2 độ C, Independent hôm 7/3 đưa tin.
Biển băng Bắc Cực đang sụt giảm về diện tích. (Ảnh: Flickr).
Khu vực này đang trải qua sự tăng mạnh về nhiệt độ trong những thập kỷ gần đây so với phần còn lại của thế giới. Nhiệt độ mùa đông ở đảo Spitsbergen phía bắc Na Uy cao hơn 8-11 độ C so với mức trung bình giữa năm 1961-1990.
Điều này sẽ tác động lớn đến khí hậu ở hầu hết khu vực Bắc bán cầu, làm tăng số lượng những cơn bão nguy hiểm. Biển băng phản xạ phần lớn năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời. Nếu biển băng biến mất, tốc độ ấm lên toàn cầu cũng sẽ gia tăng.
Bắc Cực sẽ được xem là hết băng nếu diện tích băng giảm xuống dưới một triệu kilomet vuông. Điều này có nghĩa vùng biển bao quanh Bắc Cực sẽ quang đãng và lượng băng còn lại chủ yếu tập trung ở những hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi phía bắc nước Nga và Canada.
Biển băng Bắc Cực giảm dần theo thời gian.
Tháng 9 năm ngoái, biển băng Bắc Cực giảm xuống khoảng 4,1 triệu kilomet vuông, mức thấp thứ hai so với 3,4 triệu vào năm 2012, theo Trung tâm dữ liệu băng và tuyết Mỹ. Biển băng Nam Cực hiện nay ở mức thấp kỷ lục với 2,14 triệu kilomet vuông, so với 3,16 triệu vào năm 1981 – 2010.
Theo VnExpress