Bắc cực sẽ không còn cánh đồng băng

“Chúng tôi không gặp cánh đồng băng nào trên biển Laptevyx (*) cả” – Igor Semiletov, thành viên đoàn khảo sát quốc tế về Bắc cực, thông báo với Hãng tin Itar-Tass hôm 23-9.

Sự kiện này làm tăng thêm nỗi lo rằng tình trạng ấm lên của khí hậu trên toàn cầu diễn ra nhanh hơn dự đoán của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Hồi tháng hai năm nay Ủy ban Khí hậu của LHQ với 2.500 nhà khoa học dự báo băng trên biển mùa hè tại Bắc cực có thể biến mất vào cuối thế kỷ này.

Cuộc khảo sát lớn nhất của chương trình Năm thám hiểm Bắc cực quốc tế khởi hành từ cảng Kirkeness của Na Uy từ đầu tháng chín năm nay, qui tụ các khoa học gia Mỹ, Anh, Đức, Nga, Canada. Trong hành trình 45 ngày, họ tiến hành các nghiên cứu dọc Bắc cực, từ đông Siberia tới biển Barents.

Đường thủy thông thoáng!

Từ tàu Victor Buynitsky chở đoàn khảo sát, chuyên gia bộ phận Viễn Đông thuộc Viện Đại dương học Nga Igor Semiletov tường thuật: “Chúng tôi đã tới những nơi mà nửa thế kỷ trước con tàu huyền thoại Fram của nhà thám hiểm Na Uy Fridtjof Nansen phải luồn lách giữa những tảng băng. Đường thủy ở vùng biển này năm nay ở tất cả các hướng đều thông thoáng cho các con tàu. Nhiệt độ nước không chỗ nào dưới 3 O C”.

Sông băng Esmark ở đảo Svalbard (Na Uy) đã ngắn bớt 3,5km kể từ năm 1966 (ảnh chụp ngày 23-8-2007) (Ảnh: AFP)

Theo Semiletov, điều kiện này rất tốt cho việc tìm hiểu tiến trình khí hậu ấm dần. Các nhà khoa học trên tàu có thể nghiên cứu việc phân bố khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở độ sâu tới 2km, trong khi trước kia do lớp băng dày, họ chỉ có thể tìm hiểu ở độ sâu chừng 100m.

Các nghiên cứu này ở thềm lục địa Bắc cực sẽ cho phép thu thập các dữ liệu quí về việc khí thải gây hiệu ứng nhà kính thâm nhập thế nào vào khí quyển và đưa ra những dự báo về ảnh hưởng của khí hậu ấm dần trên hành tinh.

Theo các nhà đại dương học, tình trạng ấm dần đã dẫn tới việc phá hủy lớp băng bờ biển vùng băng giá vĩnh viễn Bắc cực, làm thoát đi lớp khí CO2 và mêtan khiến hiệu ứng nhà kính tăng thêm.

Theo gzt.ru, tháng 4-2007, một đoàn khảo sát cũng của Viện Đại dương học Nga đã phát hiện tại vùng biển Laptevyx tình trạng tập trung khí mêtan 1.000 lần nhiều hơn bình thường. Trước đây, sự bất thường này chỉ thấy ở biển Okhotskoe, nơi có quặng khí hydrat.

Lộ diện những miền đất mới

Không chỉ thông thoáng hơn về đường thủy, các đảo trước đây chưa được biết đến đang lộ diện khi băng trên biển mùa hè tại Bắc cực thu hẹp tới mức kỷ lục. Bản tin môi trường của Tiscali.co.uk cho biết đã lộ diện một số hòn đảo mới xung quanh quần đảo Svalbard (Na Uy).

Rune Bergstrom, chuyên gia môi trường Svalbard, cho biết đã thấy một trong hai hòn đảo này, có diện tích gần bằng một sân bóng rổ. Mặt khác, ông cho biết thêm nhiều hòn đảo khác cũng xuất hiện gần đây ở Greenland (Đan Mạch) và Canada.

Tại hội thảo ngày 22-8 qui tụ 40 nhà khoa học và chính trị gia diễn ra ở Ny Alesund, cách Bắc cực 1.200km, Bộ trưởng Môi trường Na Uy Helen Bjoernoy cảnh báo: “Tình trạng tuyết và băng ngày càng giảm bớt đang diễn ra với tỉ lệ báo động. Tốc độ này có thể diễn ra nhanh hơn dự đoán của cơ quan khí hậu LHQ”.

Phát biểu tại cuộc hội thảo này, Christopher Rapley, giám đốc Cơ quan khảo sát Nam cực Anh, dự đoán: “Bắc cực có thể sẽ không còn băng vào giữa thập kỷ này” và buộc tội Cơ quan liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC) của LHQ đã đánh giá thấp việc băng tan.

NG.THANH


(*) Laptevyx là vùng biển của Nga giáp với Bắc Băng Dương, nằm giữa bán đảo Taimyr và đảo Severnaya Zemlya ở phía bắc và Novosibirsk ở phía đông. Diện tích 662.000km2, phần lớn diện tích biển trước đây bị đóng băng.

 

Theo Tuổi trẻ