“Bác sĩ cao tốc” giúp sửa nhanh các con đường lâu đời tại Nhật Bản

0
110

Để bắt kịp tiến độ nâng cấp đường xá và cơ sở hạ tầng tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản đang đặt hi vọng vào những “bác sĩ cao tốc” (xe ô tô được trang bị camera) sẽ giúp họ hoàn thành nhiệm vụ.

Theo CGTN, đường cao tốc của Tokyo có chiều dài khoảng 320km và đã bị xuống cấp theo thời gian. Con đường có tuổi đời hơn 50 năm này đã được xây dựng từ năm 1964 để tổ chức Olympic mùa hè lần thứ 18 tại Tokyo.


Đường cao tốc ở Nhật Bản.

Vào năm 2020, Tokyo sẽ lại có thêm một lần đăng cai Olympic mùa hè nữa. Đây là một vinh dự nhưng cũng là một cuộc chạy đua dành cho thủ đô của Nhật Bản để nâng cấp những con đường lâu đời và đã bị xuống cấp.

Để bắt kịp tiến độ, công ty cao tốc đô thị Nhật Bản (Metropolitan Expressway) đã phát triển một công nghệ cho phép phát hiện các điểm hư hỏng trên đường. Bằng cách gửi đi những chiếc ô tô được trang bị camera và cảm biến laser ở trên nóc, tương tự như dịch vụ Street View của Google, họ sẽ có được hình ảnh về mọi góc cạnh của đường cao tốc. Những chiếc xe như vậy được gọi với cái tên là “bác sĩ cao tốc”.

“Chúng tôi có thể dễ dàng phát hiện ra những điểm đang tiếp tục hư hỏng cũng như những nơi đã được sửa chữa trước đó”, Masaaki Sakuma, một nhân viên của Metropolitan Expressway cho biết.


Một “bác sĩ cao tốc” đang làm nhiệm vụ tại Nhật Bản.

Các dữ liệu thu thập được sẽ được gửi tới trụ sở của công ty, nơi các chuyên viên sử dụng một phần mềm đặc biệt để tái tạo hình ảnh 3D của con đường. Nhờ đó, những điểm bị hư hỏng trên con đường có thể được nhận diện một cách chính xác. Cuối cùng, họ chỉ cần cử một đội kiểm tra tới những điểm hư hỏng đã được chỉ ra.

Theo các chuyên gia, điều này cũng giúp giải quyết vấn đề khủng hoảng nhân lực đang cực kì trầm trọng. Dân số 127 triệu người của Nhật Bản đang ngày càng già đi và thu hẹp lực lượng lao động của họ.

Nhật Bản cũng đang nhắm tới việc xuất khẩu hệ thống sửa đường nhanh này. Tại Thái Lan, một hệ thống tương tự cũng đang được thử nghiệm.

 

Theo vnreview