Lạnh + ẩm thì dễ ốm
Mùa đông người ta thường nghĩ đến lạnh và khô hanh. Tuy nhiên, trong đợt lạnh đầu mùa năm nay thì người ta thấy khí hậu có sự thay đổi khác. Những ngày đầu mùa trời hửng nắng, có lạnh nhưng không lạnh quá đi kèm với tiết trời rất hanh khô. Độ ẩm trong ngày thường chỉ dao động xung quanh 35-40%. Song mấy ngày gần đây, tiết trời ngoài miền bắc có sự thay đổi lại. Không khí trở nên lạnh buốt, nhiệt độ nhiều nơi ở vùng đồng bằng bắc bộ xuống rất thấp, chỉ còn 7-10 độ C. Lạnh như vậy nhưng khí trời lại không hanh. Thay vào đó là một nền ẩm ướt nhẹp, mưa lây phây cả ngày lẫn đêm. Độ ẩm trong không khí thường xuyên đạt đến ngưỡng 95-100%. Ẩm là điều kiện rất tốt cho nấm mốc, vi rút và vi khuẩn phát triển. Cùng với ẩm, lạnh phối hợp thêm làm bệnh tật xảy ra nhiều hơn, dày hơn, nhất là lứa tuổi trẻ em. Lúc này, chúng ta cần giữ nhà cửa khô ráo, đừng để không khí ẩm tràn vào nhà. Cùng với đó, giữ ấm cho trẻ là một điều kiện tiên quyết. Nhưng giữ ấm như nào, quấn chăn bông ra đường hay giữ ấm ở đâu?
Giữ ấm trọng điểm
Cơ thể trẻ có những vị trí rất nhạy cảm với lạnh. Những vị trí này dễ bị yếu bệnh hoặc nó liên kết tới một vùng nào đó trong cơ thể làm cơ thể nhanh chóng bị suy giảm sức khỏe. Theo đó, chúng tôi chỉ ra các vị trí trọng điểm cần giữ ấm cho trẻ để các bà mẹ áp dụng như sau:
Nếu các bé chơi trong nhà hoặc hành lang, vị trí giữ ấm là cổ, ngực, bụng. Tại sao vậy? Vì cổ là nơi chứa cửa ngõ của hệ hô hấp. Tại đó có hệ thống bạch huyết hầu họng phong phú bao gồm các tuyến amidan. Nếu cổ bị nhiễm lạnh các tuyến amidan sưng lên và dễ bị viêm, trẻ dễ bị viêm họng và viêm amidan. Quấn khăn vừa với cổ bé là một gợi ý.
Ngực là nơi chứa phổi và phế quản. Nếu ngực lạnh, dễ làm cho hệ thống miễn dịch của phổi và phế quản suy giảm. Trẻ dễ bị viêm phế quản và viêm phổi. Nguy cơ viêm phế quản và viêm phổi sẽ tăng lên nếu độ tuổi của trẻ càng thấp.
Bụng là nơi chứa cơ quan tiêu hóa. Bạn nhất định phải giữ ấm bụng. Nếu để bụng bị lạnh, các men tiêu hóa bị suy giảm lượng tiết ra, khả năng tiêu hóa sẽ sụt giảm và bé dễ bị đau bụng, tiêu chảy.
Nếu các bé di chuyển cùng với bố mẹ, vị trí cần chú ý thêm là mũi và tai. Tại sao vậy? Vì mũi lọc và sưởi ấm không khí. Khi di chuyển, không khí thay đổi liên tục, lượng không khí lạnh luôn xộc vào mũi. Do đó mũi không có khả năng đủ sức sưởi ấm không khí. Không khí lạnh dễ làm tổn thương niêm mạc nên bé hay bị viêm mũi, chảy mũi. Một số bé còn bị khởi phát viêm mũi dị ứng, hen dị ứng. Mang khẩu trang là một biện pháp tốt.
Tai không liên quan đến hệ miễn dịch nhưng tai lại có mối liên hệ thân thiết với hệ thần kinh và với cơ quan nội tạng trong ngực bụng qua các đường huyệt đạo. Nếu để tai lạnh, không những tiêu hóa có vấn đề mà hô hấp cũng có vấn đề và não bộ cũng bị ảnh hưởng.
Nếu bé nằm ngủ, bạn cần chú ý tới bàn tay và bàn chân. Tại sao vậy? Vì bàn tay và bàn chân được cảm giác tại vị trí cao nhất của não bộ. Vùng này cũng là vùng khó đi vào giấc ngủ nhất. Bé ngủ mơ màng hoặc ngủ không ngon chủ yếu là do các vùng này của não bị thức tỉnh. Nếu giữ ấm tay chân, bé sẽ ngủ ngon hơn còn nếu tay chân lạnh, bé hay bị thức giấc. Đi tất chân là một việc đơn giản nhưng lại rất nên làm.
(Theo BS. Yên Lâm Phúc)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.