Được thành lập năm 2007, đó là nỗ lực đầy tham vọng nhằm tạo nên một bộ bách khoa toàn thư Encyclopedia of Life (EoL) trực tuyến theo mô hình mở, miễn phí theo kiểu Bách khoa toàn thư Wikipedia, nhằm mô tả tất cả các loài sinh vật được biết đến trên thế giới.
Tính đến thời điểm này thì EoL đã đạt được một cột mốc quan trọng khi cập nhật được 750.000 loài sinh vật, tức là hơn 1/3 so với 1,9 triệu loài mà con người biết đến. Nhà khoa học Jennifer Preece tại Đại học Maryland (Mỹ) nhận định EoL là công cụ giúp các nhà khoa học công dân nghiên cứu trực tuyến. Đã có rất nhiều website dành riêng cho các nhóm cụ thể như côn trùng, chim, thú… trong khi EoL nỗ lực gom những kiến thức đó về với nhau. Hiện EoL sử dụng tài liệu của 180 đối tác, thu về website của mình những hình ảnh, video, thông tin khoa học, đặc biệt là 35 triệu trang tài liệu quét từ Thư viện di sản đa dạng sinh học.
Khi đăng ký làm thành viên của EoL, người dùng được quyền tạo ra bộ sưu tập ảo riêng của mình nhưng mang ý nghĩa nghiên cứu, ví dụ: côn trùng xâm lấn Bắc Mỹ, những loài chim bị đe dọa tuyệt chủng tại Ecuador… Còn Giám đốc điều hành của EoL thì cho rằng nó là một loại kính hiển vi đảo ngược giúp người dùng tập hợp thông tin để phân tích ở quy mô lớn.
Hiện phiên bản mở rộng của EoL phát triển kiến thức ở phạm vi lớn hơn như: y học, công nghệ sinh học, sinh thái… Hiện tại EoL đã đạt đến con số 1 triệu trang và vẫn đang tiếp tục chờ nội dung mới từ các đối tác, các thành viên và người dùng trực tuyến.
Theo Thanh Niên