Bài học cho con từ vườn rau “Thạch Sanh” của mẹ

 
Con thắc mắc rằng mua rau sạch đâu có khó khăn gì, rất nhiều cửa hàng bán rau sạch, có chứng nhận đàng hoàng, sao mẹ phải kỳ công trồng rau “Thạch Sanh” – những chậu rau hái ngọn xong lại tiếp tục mọc lên những mầm xanh mới – cho vất vả? Con cũng biết tính toán rồi cơ đấy, con cộng nhẩm cái công chăm sóc, bình, chậu… của nhà mình cũng không hề rẻ hơn tiền mua rau. Mà trồng cũng đâu có được bao nhiêu? Những ngày nhà có khách, vẫn phải ra cửa hàng rau sạch mua thêm cơ mà! Con không thích mấy chậu cây “thạch sanh” của mẹ, con bảo con bận lắm, buổi chiều đang định đi tắm thì mẹ giục tưới rau, buổi sáng đã dậy muộn, định ăn sáng nhanh còn đi học thì mẹ giục mang mấy chậu cây ra nắng. Con bảo cây của mẹ thỉnh thoảng lại rơi đất ra lan can, con không thích, bẩn lắm, xấu lắm, con chán lắm!
Vì sao con lại ghét những cái cây đến vậy? Mẹ đủ tiền để đặt mua rau sạch định kỳ ở cửa hàng gần đây, nhưng mẹ không muốn thế. Khi thật sự cần thì mình sẽ đi mua, con thấy rồi, nhưng hàng ngày, mẹ vẫn muốn nhà mình có một “vườn rau”. Dù rằng xét về lý thuyết thì cũng không giống một vườn rau lắm! Thôi thì nhà chung cư, chấp nhận vậy thôi con! Có vườn rau trong nhà, nếu thực sự để tâm cùng với mẹ, con sẽ vui hơn nhiều. Con ghét những cái cây hay ghét chính sự lười nhác của chính mình, ghét mình không đủ chăm chỉ để chăm sóc nhưng cái cây vậy con? 
Mỗi một điều gì đó lớn lên, đều cho con người ta một niềm vui. Niềm vui của mẹ chính là các con, bởi vì “cái cây” mẹ trồng suốt một cuộc đời mình là các con. Và mẹ muốn san sẻ với con điều ấy. Con hãy biết yêu một cái cây, hãy thực lòng lo lắng sao cho cây đủ nước và ánh sáng. Hãy biết thương cây chật chội, tù ngục trong ngôi nhà chung cư để mang cây ra ban công cho đều. Con thật lòng quan tâm, con sẽ hiểu niềm vui khôn tả khi cây lớn lên, cây thêm nhánh mới, cây xanh non, hoặc biết lo âu khi cây mắc bệnh, bị rệp cắn, hay bị đàn sâu ngấu nghiến. Niềm vui không phải chỉ là câu chuyện về một ngọn cây, con ạ. Mà là niềm vui rằng mình cũng có thể góp phần cho một mầm xanh bé bỏng lớn lên, để mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho mọi thứ quanh mình.
Mỗi một con người đều cần phải học cách để yêu những gì giản dị quanh mình. Mẹ đã gặp nhiều người trẻ hoang mang. Họ ưa những gì lấp lánh và mới lạ. Họ thích di chuyển nhưng không hiểu ý nghĩa của những nơi mình đến, không biết công sức của người khác trong việc tạo dựng những sản phẩm mà mình đang hưởng thụ. Đứng trên cột mộc biên giới thì làm trò lố. Đứng trước Vạn Lý Trường Thành chỉ lo chụp nhanh cái ảnh rồi về, không bận tâm về lịch sử công trình. Đi thăm đỉnh Yên Tử, thanh niên hai mươi tuổi cũng chỉ chăm chăm mua vé cáp treo, lên đỉnh Chùa Đồng chụp tấm ảnh, “check in” facebook cho oai, rồi lại xuống. Về nhà, hễ mở miệng là kêu, nơi này nơi kia mình đến lâu rồi, chán lắm, chả có gì. Họ chán, vì họ không hiểu công sức của con người, từ những điều nhỏ bé. Vì họ không quen dành tình yêu thương cho những gì giản dị. Vì họ không hiểu ý nghĩa của những gì đang tồn tại quanh mình. Vì họ quen bóng bẩy, quen sốc, độc, lạ. Và niềm vui với họ, nhất định là phải khiến họ cười to thành tiếng. Không hiểu những niềm vui nhỏ bé âm thầm, không quen giao tiếp với đời sống này bằng nỗi lặng im. Vì họ là thanh niên ưa ồn ào bụi bặm, bận học và rất âu lo trong chuyện kiếm tiền. Vì nhiều người trong họ không biết cách yêu và trồng những cái cây.
Trồng cây, con sẽ nhận ra mỗi một loài cây có một hình một vẻ. Cây trạng nguyên nhiều hoa thì cây xương rồng nhiều gai. Cây hoa cúc có những chiếc lá thật xanh thì cây rau cần có những đoạn cây thân trắng trẻo. Con sẽ yêu cây vì bản thân cái cây lớn lên với đúng kích cỡ tự nhiên và hồn nhiên của nó. Con hiểu tự nhiên và không định đem điều gì ra áp đặt theo ý nghĩ của mình, con sẽ học được bài học lớn trong cuộc sống này. Bài học về tình yêu. Yêu và mong mọi sự lớn lên nhưng không định biến đổi nó theo ý muốn của mình.
Hồi mẹ bằng tuổi con, mẹ có một khoản tiền gọi là “kế hoạch nhỏ”. Tiết kiệm cả năm, số tiền ấy có khi không đủ mua một đôi dép mới. Thế nhưng mẹ sẵn sàng nộp hết cho liên đội, để gây quỹ, để mua phần thưởng cho bạn học giỏi hay ủng hộ bạn nghèo. Mỗi người có một cách gây quỹ khác nhau, nhưng thường là mẹ và các bạn của mẹ hồi ấy trồng rau, rồi đem bán cho các gia đình trong khu tập thể. Khoản tiền nho nhỏ ấy, tích cóp từ công sức ấy, không ai chọn cách giữ cho mình, mà đều chọn cách đem cho, đem quyên góp và ủng hộ. Nhưng điều mà mẹ và các bạn của mình giữ lại mà không ai có thể lấy đi, đó là niềm vui nhìn cái cây của mình lớn lên. Niềm vui khi biết mình cũng có thể làm điều gì đó. Niềm vui ấy nó khiến cho mọi thứ xung quanh trở nên da diết, ngọt ngào, trở nên ấm áp, vì ta đều hiểu công sức của chính mình và những người xung quanh.
Con và em con là tình yêu lớn nhất trong cuộc đời của mẹ. Nhưng mẹ và các con sẽ yêu cùng nhau những ngọn cây! Nghĩa là cùng yêu cuộc sống này, và cùng chăm sóc cho niềm vui của ta, lớn dần!
Nguyên Ân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.