Mùa lạnh, thường gặp nhất là bệnh đường hô hấp, nhất là người cao tuổi và trẻ em. Dưới đây là một số bài thuốc giúp phòng và chữa bệnh.
-
1
Rau tần dầy lá (còn gọi là rau thơm lông)
Có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, lợi phế, trừ đờm, giải cảm, phát hãn. Dùng tươi (5-10 lá) mỗi ngày, nhai sống với tí muối, giã lấy nước uống hoặc hãm nước sôi, hoặc chưng với vỏ quýt, gừng, đường phèn, chữa ho, viêm họng, khan tiếng, cảm cúm, sổ mũi.
Trẻ bị ho do viêm họng nên lấy 4 – 5 lá cắt nhỏ chưng cách thủy với vài hạt đường phèn rồi lấy nước cho trẻ uống từng chút, chia nhiều lần trong ngày.
-
2
Rễ cây đậu săng (còn gọi là đậu cọc rào)
Có vị đắng, tính mát, tác dụng ấm phổi, trợ tiêu hóa, thông huyết mạch. Lấy 10g rễ đậu săng, thêm 10g sài đất, 10g kim ngân hoa, rồi nấu chung trong khoảng 200ml nước, sắc cạn còn 1/2, thêm ít đường phèn cho trẻ dễ uống.
-
3
Cây thuốc giòi (còn gọi là cây bọ mắm)
Chữa cảm, ho, viêm họng, lấy khoảng 8 – 16g khô (50g lá tươi), nấu nước cho trẻ uống mỗi ngày.
-
4
Rau tía tô
Có thể dùng lá hoặc hạt tía tô sắc lấy nước uống chữa ho khò khè ở trẻ nhỏ, 10g mỗi ngày.
-
5
Gừng
Gừng tươi (sinh khương) giã lấy nước uống, ngày 6-10g; rượu gừng 10%, ngày uống 2-5ml; xirô gừng phối hợp quả chanh, củ sả mỗi thứ 10g, muối 5g và đường đủ cho 100ml, ngâm trong 3 ngày, lọc vào lọ kín, uống chữa ho, ngày 2 lần, mỗi lần 1-2 muỗng canh.
-
6
Sả
Trà sả có công dụng chữa cảm lạnh và ho bằng cách kết hợp lá sả non, mật ong, hạt tiêu, quế, nước cốt chanh và lá bạc hà. Loại trà sả hỗn hợp này giúp thông mũi họng, khiến người bệnh dễ hít thở hơn, giữ ấm toàn thân và làm dịu cơn ho trong mùa lạnh rất tốt.