Bạn biết gì về thuốc tẩy tóc?

Bạn biết gì về thuốc tẩy tóc?

Thợ làm tóc sẽ dùng hóa chất tẩy đi toàn bộ màu tóc gốc. Trong trường hợp bạn muốn nhuộm highlight, từng ép tóc nhỏ sẽ được tẩy xen kẽ nhau. Sau khi tẩy, tóc sẽ được phủ lớp màu. Nhờ công đoạn tẩy mà mái tóc sau khi nhuộm sẽ có được màu sắc như ý muốn. Thế nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến những tác hại của việc tẩy tóc cũng như việc chăm sóc mái tóc tẩy như thế nào.

  • 1

    Hóa chất nào cũng hại tóc

    Bất kỳ sự lạm dụng hóa chất nào cũng dẫn đến hậu quả xấu cho mái tóc, đặc biệt là các chất tẩy màu tóc. PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho biết, về bản chất, tất cả các chất tẩy màu tóc đều loại bỏ melanin – chất tạo màu đen cho tóc. Các chất tẩy này đều có khả năng oxy hóa mạnh, gây biến đổi tính chất cơ lý của tóc, khiến tóc mất đi độ bóng mượt, bị giòn, dễ gãy và làm cho tóc ngày càng khô, xơ xác. Có nhiều loại dung dịch hoặc bột tẩy, mà mỗi chất loại có những tính chất hóa học cụ thể khác nhau. Tuy nhiên các chất có gốc benzene hoặc phenol thường có hoạt tính mạnh, có khả năng tẩy màu nhanh, nhưng độc tính cũng rất lớn. Dung dịch oxy già ít độc hại hơn vì thành phần chủ yếu chỉ có oxy tự do và nước, nhưng ngược lại khả năng tẩy kém, cần kéo dài thời gian tẩy.

    Với hoạt tính làm biến đổi chất tóc như vậy, việc sử dụng thuốc tẩy tóc sẽ gây tổn thương không nhỏ cho mái tóc của bạn. Theo chuyên gia thẩm mỹ tóc Anh Đức, hóa chất có trong thuốc tẩy không chỉ làm mất màu sắc tự nhiên mà còn triệt tiêu cả dưỡng chất và độ ẩm vốn có của tóc. Do vậy, dù mái tóc của bạn trước đây có bóng, khỏe nhưng nếu thay đổi màu tóc liên tục thì tác hại của chất tẩy cũng làm chúng trở nên khô, xơ, gãy dần và rất khó hồi phục.

    Bạn biết gì về thuốc tẩy tóc? 

    Các chuyên gia về tóc cũng khuyên rằng chỉ nên tẩy, nhuộm tóc 3 – 6 tháng một lần.

  • 2

    “Đánh mất” công đoạn bảo vệ da đầu

    PGS.TS Phạm Gia Điền cho rằng, trong quy trình xử lý hóa chất với tóc cần có bước bảo vệ da đầu trước khi sử dụng hóa chất tẩy tóc. Các chất bảo vệ da đầu có thể chứa thành phần axit béo, ví dụ như omega-3 hoặc omega-6, có tác dụng ngăn cản tiếp xúc trực tiếp của hóa chất với da đầu, đồng thời khử bớt các độc tính của những hóa chất này. Tuy nhiên, trong thực tế, hầu hết các hiệu làm tóc đều bỏ qua công đoạn này, không hiểu do chi phí đắt hay do quá nhiều qui trình phức tạp. Các chuyên gia về tóc cũng khuyên rằng chỉ nên tẩy, nhuộm tóc 3 – 6 tháng một lần. Đây là khoản thời gian cần thiết để mái tóc phục hồi, trở lại trạng thái bình thường sau khi tiếp xúc với hóa chất.

    Đồng thời, sau khi tẩy, nhuộm tóc bạn nhất thiết phải chăm sóc với dầu gội và dầu xả chuyên biệt dành cho tóc nhuộm. Loại dầu gội và dầu xả chuyên biệt này có ít chất tẩy, sẽ giúp màu nhuộm bám trên tóc lâu hơn, mặt khác chúng còn cung cấp vitamin và dưỡng chất nuôi dưỡng tóc, tăng cường độ ẩm cho tóc, nhờ vậy, có thể làm giảm tốc độ tổn thương, giúp tóc nhanh chóng phục hồi. Ngoài ra viêc sấy, ép, duỗi, sau khi tẩy, nhuộm cũng sẽ vô tình làm cho mái tóc bạn thêm xơ xác. Bạn cũng luôn nhớ che chắn tóc cẩn thận khi ra ngoài nắng, tránh để ánh nắng mặt trời tiếp xúc trực tiếp, làm tóc thêm khô, dễ bị cháy và trẻ ngọn.