Những mẹo dưới đây sẽ giúp ích cho bạn làm chủ được một cuộc trò chuyện và khiến nó trở nên hấp dẫn, thú vị.
Hãy đặt sự tập trung của bạn vào cuộc trò chuyện
“Vấn đề của tôi luôn là quan trọng nhất” đó chính là tâm lý của mỗi người. Điều bạn cần làm không phải là góp thêm vào “sự quan trọng” của mình trong câu chuyện, nếu bạn muốn có một cuộc trò chuyện để lại ấn tượng và tạo thiện cảm với người đối diện, hãy thực sự tập trung vào câu chuyện của họ, quan tâm đến họ bằng những câu hỏi thêm thắt vào câu chuyện bạn đang nghe, có thái độ đồng cảm với câu chuyện đó. Nên nhớ, nếu bạn không quan tâm đến câu chuyện của họ, thì họ cũng chẳng việc gì phải quan tâm đến câu chuyện của bạn!
Đừng hỏi những câu không liên quan đến chủ đề đang trao đổi
Kì thực là có rất nhiều người mắc phải lỗi giao tiếp này, khi người đối diện đang nói về một chủ đề mà bạn không biết, đừng tìm cách ngắt câu chuyện của người ta bằng cách hỏi những câu hỏi “đánh lạc hướng”, hãy nhớ đến điều 1 “câu chuyện của tôi là quan trọng nhất!”. Nếu bạn thực sự không hiểu gì về chủ đề ấy, hãy xem đây là một cơ hội để bạn có thể học hỏi được thêm nhiều kiến thức, hãy hỏi về cái người ta đang nói, đừng hỏi những câu không liên quan, bạn sẽ khiến người đối diện bị mất hứng và không muốn tiếp chuyện bạn nữa.
Ngôn ngữ cơ thể
Ánh mắt chăm chú nhìn vào khoảng sống mũi, miệng, chớ nhìn chằm chặp vào mắt của đối phương, bạn sẽ khiến họ bị bối rối vì cái nhìn soi xét của bạn, hãy chú ý sử dụng nhiều những nụ cười, cái gật đầu, biểu cảm cơ mặt theo tâm trạng của câu chuyện một cách linh hoạt. Lắng nghe câu chuyện thật tập trung và đặt câu hỏi đúng lúc, bạn sẽ khiến cho người kể chuyện cảm thấy dễ chịu vì thái độ của bạn.
Hãy đọc – nghe – xem thật nhiều để có nhiều chủ đề để chia sẻ
Nhiều khi bạn sẽ rơi vào một tình huống không thể có điểm chung với người đối diện, ví dụ như bạn làm công việc liên quan đến lập trình mà cuộc trò chuyện lại là những người bạn làm công an hoặc họa sỹ…vậy thì kết nối thế nào để có điểm chung? Hãy đọc – xem – nghe thật nhiều chủ đề, tìm một chủ đề mà bạn biết và có điểm chung với họ và nói chuyện. Với đàn ông chủ đề thể thao và các cô gái có lẽ luôn là từ khóa thích hợp để nói chuyện, còn với phụ nữ độc thân thì sẽ là những thú vui cá nhân, quan điểm sống, dự định tương lai.
Với phụ nữ có gia đình thì câu chuyện về chăm sóc con cái luôn được hưởng ứng nhiệt liệt, những tâm sự về hôn nhân, đời sống tình cảm vợ chồng và công việc luôn khiến họ dễ dàng mở lời với bạn.
Tạo kết nối khi trò chuyện
Nếu cuộc trò chuyện trong một nhóm bạn, bạn đừng chăm chăm nói với một người dù người đó đang là trung tâm của câu chuyện. Luôn ghi nhớ “ai cũng nghĩ rằng vấn đề của tôi là quan trọng nhất!” vì thế mọi người xứng đáng được quan tâm như nhau. Hãy hỏi ý kiến của người bên cạnh về chủ đề mà người bạn trung tâm vừa chia sẻ để cùng có kết nối với người đó, họ sẽ thấy ý kiến của họ xứng đáng để lắng nghe và cảm thấy bạn là người biết quan tâm đến người khác.
Với một chủ đề mà người đối diện đang chia sẻ, hãy tìm kết nối trong đó. Ví dụ người đó đang kể về một chuyến du lịch ở miền Tây, hãy nhớ đến những câu chuyện về miền Tây, về con người, văn hóa…nếu bạn không biết, hãy lắng nghe hoặc nói về cái “được” khi đi du lịch. Luôn tìm ra cách để kết nối câu chuyện và kết nối những người xung quanh, bạn thực sự là người biết cách nói chuyện đấy!
Tất nhiên, việc này không phải cứ lý thuyết là có thể làm được ngay. Bạn cần luyện tập, trau dồi vốn sống, sự hiểu biết của mình. Khi bạn lắng nghe, quan tâm, tập trung, tạo kết nối đã đủ rồi, sẽ đến lúc bạn cần kể câu chuyện của mình chứ? Vậy thì làm cách nào cho câu chuyện của bạn thú vị, hấp dẫn? Tìm ra một điểm mạnh nhất của bản thân, thứ mà bạn am hiểu nhất và cố gắng trau dồi nó trở thành thương hiệu của chính bạn, đó chính là chìa khóa mà bạn có thể mở được cánh cửa của thành công, ít nhất là trong lĩnh vực giao tiếp!
Thanh Xuân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.