Bản đồ in 3D cho người khiếm thị

0
115

Tấm bản đồ đặc biệt này cho phép người khiếm thị và thị giác yếu có thể “đọc” hình ảnh theo cách giống như đọc chữ nổi Braille.

Bản đồ in 3D Tactile là phát minh mới của các kỹ sư thuộc Trung tâm đào tạo Joseph Kohn – một cơ sở hỗ trợ dạy nghề cho người khiếm thị ở New Brunswick, New Jersey (Mỹ). Sáng chế này giúp những người khiếm thị tự di chuyển mà không cần sự trợ giúp của người khác.

Những thay đổi

Một câu hỏi đặt ra là: Công nghệ in 3D có thể trở thành một công cụ hỗ trợ cho những người khiếm thị được không khi mà trên thế giới hiện nay có khoảng 285 triệu người không may bị khiếm thị?

Để làm được điều đó, các kỹ sư và nhà thiết kế đã khám phá tiềm năng của bản đồ in 3D. Mùa Hè năm 2015, kỹ sư cơ khí Howon Lee (Đại học Rutgers, Mỹ) cùng với học trò Jason Kim quyết định nâng cấp tấm bản đồ in 3D.

Ông Lee đã quyết định thay đổi phần mềm của tấm bản đồ đặc biệt này. Theo đó, gỗ được thay thế bằng nhựa bền; mỗi tầng có một tấm bản đồ riêng, kích thước nhỏ gọn để những người khiếm thị có thể mang theo bên mình.

Ngoài ra, tấm bản đồ này thể hiện đầy đủ các phòng với nhiều ký hiệu khác nhau, chẳng hạn như phòng tắm (hình tròn dành cho nam và hình tam giác dành cho nữ), hình vuông dành cho thang máy và nhiều dòng kẻ cho cầu thang.

Nhóm tác giả đã đưa vào một số thiết kế vào bản đồ để hướng dẫn người khiếm thị nhận ra đường phố, tòa nhà, hành lang, thậm chí là những lời khuyên về hướng di chuyển thông qua âm thanh và cách sắp đặt.


Tấm bản đồ in 3D của Trung tâm đào tạo Joseph Kohn.

Nhiều ưu thế

Đương nhiên, tấm bản đồ in 3D của ông Lee và ông Kim không phải là tấm bản đồ đầu tiên hỗ trợ cho người khiếm thị. Trước đó, vào năm 2014, các nhà thiết kế Nhật Bản đã tạo ra một phần mềm cho phép mọi người tải các dữ liệu không gian, địa lý và in ra với chi phí thấp bằng công nghệ in 3D, giúp người khiếm thị có thể phân biệt rõ ràng đường cao tốc, đường bộ, đường sắt.

Năm 2015, các sinh viên Đại học Central Missouri (Mỹ) đã dành một tháng thực hiện một bản đồ 3D khuôn viên trường của họ. Qua đó, với công nghệ in 3D này, mọi người có thể in mọi thứ mà mình muốn.

“Chỉ cần tạo mô hình 3D trên máy tính, gửi dữ liệu vào máy in, máy in 3D sẽ tạo ra mô hình mà bạn cần”, ông Lee cho hay.

Dễ dàng mang theo, nhanh chóng và bền lâu là ba ưu thế của công nghệ in 3D. Ngoài ra, tính linh hoạt cũng là một ưu thế lớn của công nghệ này. Bên cạnh đó, ông Lee cùng với người học trò đang nỗ lực mở rộng dự án lập bản đồ cho mỗi sinh viên của mình tại Trung tâm với chi phí thấp nhất. Về lâu dài, ông hy vọng có thể lập ra được bản đồ toàn thành phố. “Thành phố có thể phát triển liên tục với nhiều tòa nhà mới xây, tuy nhiên, công nghệ 3D có thể thay đổi những thiết kế trên máy tính một cách rất linh hoạt”, ông cho biết.

“Nhìn” bằng xúc giác

Công nghệ in 3D được áp dụng rất nhiều trong việc hỗ trợ người khiếm thị, chẳng hạn như giúp người khiếm thị có thể “nhìn” các bức tranh. Công ty 3Dphotoworks cùng với Hiệp hội người mù Hoa Kỳ đã cùng nhau phát triển quá trình “in 3D xúc giác” được lấy cảm hứng từ công trình nghiên cứu về cơ chế thần kinh mềm dẻo của Tiến sĩ Paul Bach-y-Rita, một nhà thần kinh học tại Đại học Wisconsin-Madison. Theo nghiên cứu của Bach-y-Rita, bộ não con người có khả năng xử lý các thông tin xúc giác thu được từ sự tiếp xúc của ngón tay, tương tự những gì khả năng “nhìn thấy” mang lại. Về cơ bản, điều đó nghĩa là khi một người khiếm thị sờ vào các bức tranh nghệ thuật được in 3D, hình ảnh của nó sẽ hình thành trong não bộ, giống như một người sáng mắt bình thường có thể làm được. Để nâng cao chất lượng trải nghiệm, một số cảm biến được lắp vào bản in nhằm tự động phát âm thanh, cho người khiếm thị biết thứ họ đang sờ vào là gì cũng như các thông tin cơ bản về bức tranh.

Tại Hàn Quốc, học sinh khiếm thị được tiếp cận phương pháp học địa lý mới thông qua sự trợ giúp của máy in 3D. Theo đó, các tấm bản đồ được in 3D chỉ trong vòng 30 phút. Với tấm bản đồ đặc biệt này, học sinh được cảm nhận và hình dung “trực quan” hơn ở môn địa lý: về biên giới và đồi núi…

Trong một tương lai không xa, những người khiếm thị hay thị giác yếu có thể “nhìn thấy” mọi vật xung quanh mình nhờ các thiết bị hỗ trợ đặc biệt, giúp họ có thể hoàn toàn cảm nhận được những gì đang xảy ra xung quanh mình…

 

Theo tgvn