“Chim sớm” được nhận dạng bằng việc họ dậy từ sớm trong tâm trạng vui vẻ để bắt đầu ngày mới. Ngược lại, “Cú đêm” là những người ngủ rất trễ và thường dùng nhiều lần báo thức để dậy, có thể dậy để tắt hàng loạt các báo thức đó rồi … ngủ tiếp.
Việc này có thể là do hình thành thói quen ngủ nghỉ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, một cuộc nghiên cứu từ công ty nghiên cứu di truyền học 23andMe cho thấy gene của chúng ta đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành thói quen “cú đêm” hoặc “chim sớm”. Công ty đã thực hiện cuộc khảo sát gần 90.000 người và rút ra những kết quả khá thú vị.
Trong số những người tham gia khảo sát có 44% tổng số người thức dậy sớm, còn 56% còn lại là “cú đêm”. Đa số phụ nữ thường thức dậy sớm. Đối với người dưới 30 tuổi thì tỉ lệ “chim sớm” khá thấp, chỉ có 24,2%. Nhưng ngược lại, có tới 63,1% những người trên 60 tuổi lại là “chim sớm”. Những người thức dậy sớm thường ít bị mất ngủ hơn “cú đêm”, khả năng đổ mồ hôi trộm và mộng du cũng ít hơn. Tuy nhiên, những người thức dậy sớm lại ít đạt được một giấc ngủ ngon trọn vẹn như “cú đêm”.