Băng Bắc Cực đang tan nhanh kỷ lục

Băng Bắc Cực đang tan nhanh kỷ lục

Lượng băng Bắc Cực đã xuống tới mức thấp kỷ lục liên tiếp trong vòng hai năm qua, đe dọa khí hậu toàn cầu ngày càng ấm hơn.

Theo dữ liệu vừa được các nhà khoa học tại Trung tâm dữ liệu Băng Tuyết quốc gia Mỹ (NSIDC) và NASA công bố, lượng băng tại Bắc Cực đã xuống mức thấp kỷ lục trong mùa đông năm nay. Đây cũng là mức thấp kỷ lục trong 2 năm liên tiếp.

Băng Bắc Cực đang tan nhanh kỷ lục
Băng tại Bắc Cực đã xuống mức thấp kỷ lục trong mùa đông năm nay.

Kỷ lục nối tiếp kỷ lục

Theo ScienceDaily, mỗi năm, vùng biển băng tại Bắc Băng Dương và các vùng biển lân cận thường có đợt tan chảy trong suốt mùa xuân, mùa hè, sau đó hình thành trở lại vào những tháng mùa thu và mùa đông. Mức độ tan chảy thường đạt cực điểm vào thời điểm giữa tháng Hai và tháng Tư.

Vào ngày 24/3, diện tích băng Bắc Cực ghi nhận đạt 14,52 triệu km2, mức băng thấp kỷ lục ghi nhận trong mùa đông thông qua vệ tinh kể từ năm 1979. Mức băng này cũng thấp hơn 0,2% so với kỷ lục đã thiết lập trước đó vào hồi năm ngoái là 14,54km2. Thậm chí, đây là mức băng thấp nhất lần thứ 13 được ghi nhận qua vệ tinh trong suốt 13 năm qua.

Tính chung trong giai đoạn từ 1981 – 2010, diện tích băng Bắc Cực đã giảm 7% so với mức trung bình giai đoạn đó là 15,64km2.

Khí hậu thay đổi, băng biển thu hẹp

Đáng chú ý, hiện tượng này chỉ xảy ra không lâu sau khi các nhà khoa học công bố, giai đoạn từ tháng 12/2015 tới tháng 2/2016 đang sở hữu mức nhiệt độ cao kỷ lục. Sự ấm dần lên của bầu khí quyển có thể là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới suy giảm diện tích băng tại Bắc Cực.

Băng Bắc Cực đang tan nhanh kỷ lục
Vào ngày 24/3, diện tích băng Bắc Cực ghi nhận đạt 14,52 triệu km2.

Theo nhà khoa học Walt Meier, thuộc trung tâm không gian Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland cho biết, nhiệt độ không khí lên tới -12 độ C, trên mức trung bình mọi năm đã khiến lượng băng biển ngày càng mỏng đi.

Đới gió hoạt động ở Bắc Cực trong suốt tháng Một và tháng Hai cũng không đủ sức để hình thành các khối băng. Bởi lý do, chúng đã mang luồng không khí ấm từ phía Nam tới và ngăn chặn sự mở rộng của lớp băng. Tuy nhiên, điều được Meier nhấn mạnh là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng hiện nay, đó là sự ấm lên của nước biển.

“Có khả năng chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến diện tích băng biển mùa đông ngày càng thấp hơn trong tương lai, bởi nhiệt độ bầu khí quyển đang ấm lên, và các đại dương cũng ấm lên theo đó. Sự ấm lên của đại dương ngăn chặn băng biển mở rộng về phía Nam, Meier cho biết.

“Mặc dù lượng băng tối đa có thể đạt được thay đổi tùy vào điều kiện thời tiết mùa đông. Tuy nhiên chúng ta đang thấy xu hướng giảm băng khối một cách đáng kể. Nó liên quan đến hiện tượng tăng nhiệt trong bầu khí quyển và đại dương”, Meier nhận định thêm.

Băng Bắc Cực đang tan nhanh kỷ lục
Sự ấm lên của đại dương ngăn chặn băng biển mở rộng về phía Nam.

Được biết kể từ 1979, xu hướng tăng nhiệt trong bầu khí quyển và đại dương đã “xóa sổ” hơn 1,6 triệu km2 băng biển vào mùa đông. Diện tích này quy ra có thể lớn gấp đôi bang Texas, Mỹ.

Liệu có thể ngăn chặn?

Mức băng thấp kỷ lục trong mùa đông không có nghĩa sẽ khiến mức băng tiếp tục thấp hơn vào mùa hè. Điều kiện thời tiết mùa hè có tác động lớn hơn cả tới quy mô băng biển, và đó thường là kết quả cuối cùng sau chu kỳ tan chảy mỗi năm. Nếu nhiệt độ ấm và có bão mùa hè, lượng băng tan chảy sẽ nhanh hơn và ngược lại.

Băng biển Bắc Cực đóng vai trò quan trọng điều hòa nhiệt độ bề mặt Trái Đất. Bề mặt băng trắng sẽ phản chiếu ánh sáng và nguồn năng lượng Mặt Trời hiệu quả hơn. Nếu lượng băng đó ngày càng mất đi, biển sẽ chính là cỗ máy phải “gánh vác” nhiệm vụ điều hòa nhiệt độ và khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, hiệu quả của băng biển chỉ được phát huy mạnh mẽ nhất vào thời điểm mùa hè khi Mặt Trời chiếu sáng nhiều hơn.

Trong khi đó vào mùa đông, tác động của hiện tượng suy giảm băng khối tại Bắc Cực thể hiện rõ ràng nhất trong bầu khí quyển ấm áp.

Theo nhà khoa học khí hậu Jennifer Francis thuộc ĐH. Rutgers ở New Brunswick, New Jersey cho biết: “Ở những nơi bề mặt băng biển bị mất, vùng nước đó sẽ là nơi truyền nhiệt lượng vào bầu khí quyển, bởi bầu khí quyển lạnh hơn so với vùng nước biển không bị đóng băng. Khi băng biển mùa đông biến mất, các khu vực có nhiệt độ khí quyển ấm lên bất thường tại Bắc Cực sẽ mở rộng. Đây cũng chính là những khu vực gia tăng lượng bốc hơi nước, hình thành mây, và làm bề mặt Trái Đất ấm lên”.

Băng Bắc Cực đang tan nhanh kỷ lục
Băng biển Bắc Cực đóng vai trò quan trọng điều hòa nhiệt độ bề mặt Trái Đất.

Đối với nhà khoa học Ted Scambos, người đứng đầu NSIDC tại bang Colorado, hiện tượng băng biển suy giảm là một cuộc “khủng hoảng” trầm trọng. Hiện tượng này gia tăng theo từng năm, và thật khó để dự đoán những tác động khôn lường tới khí hậu toàn cầu. Chưa kể, những biện pháp ngăn chặn vấn đề của con người vẫn chỉ đang nằm trên giấy.

Theo dõi sự thay đổi băng khối dẫn tới lượng băng thấp kỷ lục trong năm nay.

 

Theo vnreview