Theo một nghiên cứu công bố ngày 15/4 của các nhà khoa học, băng Nam cực đang tan chảy với tốc độ nhanh nhất trong 50 năm qua và nhanh gấp 10 lần so với cách đây 600 năm.
>>> Tìm thấy đáp án cho nghịch lý ở Nam Cực
Băng ở bán đảo Nam cực đang ngày càng tan nhanh – (Ảnh: AP)
Trên tạp chí Nature Geoscience (Khoa học địa chất tự nhiên) của Úc, nhóm nghiên cứu cho biết vào năm 2008, họ đã khoan một lõi băng dài 364m tại đảo James Ross, gần mũi phía bắc của bán đảo Nam cực để đo nhiệt độ tại khu vực này trong quá khứ.
Họ phát hiện lõi băng này cũng giúp “đo” được tình trạng tan băng ở khu vực, bằng cách đo độ dày các lớp của lõi băng.
“Chúng tôi nhận thấy nhiệt độ lạnh nhất ở bán đảo Nam cực và khối lượng băng tan chảy thấp nhất trong mùa hè xảy ra cách đây khoảng 600 năm”, tiến sĩ Nerilie Abram thuộc ĐH Quốc gia Úc, thành viên Cơ quan khảo sát Nam cực của Anh (BAS) và là trưởng nhóm nghiên cứu, nói.
“Vào thời điểm đó nhiệt độ ở khu vực vào khoảng 1,6 độ C, thấp hơn so với nhiệt độ được ghi nhận vào cuối thế kỷ 20, còn lượng tuyết rơi hằng năm tan chảy rồi đóng băng vào khoảng 0,5%. Ngày nay con số này tăng 10 lần (5%)”, Abram cho biết.
Cũng theo Nerili Abram, trong khi nhiệt độ tại khu vực này đang dần tăng lên từ cách đây hàng trăm năm thì hiện tượng băng tan chảy mạnh lại xảy ra từ giữa thế kỷ 20. Điều này đồng nghĩa bán đảo Nam cực đã “nóng” lên tới mức chỉ cần nhiệt độ tăng một chút cũng có thể làm tăng mạnh lượng băng tan chảy trong mùa hè.
Theo Tuổi Trẻ