Các chuyên gia liên bang tại Alaska về động vật có vú trên biển trong nghiên cứu tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với loài hải mã, gấu Bắc cực và hải cẩu đã cảnh báo rằng những gì họ có thể làm để bảo vệ chúng là có hạn. Họ có thể ngăn thợ săn, hạn chế tàu bè và khai thác dầu ngoài khơi, nhưng từng đó chưa đủ khi môi trường sống của những loài động vật này cứ biến mất hàng năm mỗi khi mùa hè đến.
Joel Garlich Miller, chuyên gia nghiên cứu hải mã thuộc Ngành cá và động thực vật hoang dã Hoa Kì đã nói: “Chúng tôi không thể kiểm soát được băng tan. Chúng tôi cũng không thể tạo ra băng ngoài đó”.
Ông cho biết, có đến 3.000 – 4.000 hải mã con chết hàng năm khi đàn hải mã di chuyển tán loạn lên đất liền vùng biển Chukchi – Nga tiếp giáp với Alaska phía bắc mũi Bering. Thay vì tràn ra biển băng vào mùa hè, hàng nghìn con hải mã bị mắc kẹt ở đất liền đến khoảng 3 tháng với một con số chưa từng thấy.
Anatoly Kochney, người thực hiện nghiên cứu về hải mã cho học viện Russia’s Pacific về Thuỷ sản và Hải dương học cho rằng việc mất đi 3.000 – 4.000 cá thể các loài động vật chủ yếu thuộc một vùng lãnh thổ trong năm nay đúng thực là một điều thảm khốc.
Theo lời nhà sinh học Tony Fischbach, thuộc cơ quan Lượng định Địa chất Hoa Kì, nếu xu hướng này cứ tiếp diễn, đàn hải mã sẽ phải sống trên bờ biển mỗi mùa hè. Chúng sẽ cạnh tranh thức ăn với loài khác thay vì đi tìm kiếm ở những vùng biển ngoài khơi nhiều tôm cá. Đây không hẳn là hiện tượng tái diễn bất ngờ. Theo tài liệu từ Trung tâm Dữ liệu băng tuyết quốc gia tại đại học Colorado, biển băng Bắc cực đã rút đến mức kỉ lục kể từ khi tiến hành theo dõi qua vệ tinh vào năm 1979.
Mark Serreze, nhà nghiên cứu khoa học có nhiều kinh nghiệm đã nói: “Chúng ta đang đi trên đường xoắn ốc đến giới hạn cuối cùng. Dự đoán biển băng sẽ biến mất vào năm 2030 là một điều dễ hiểu”.
Một chú hải mã đang nằm nghỉ ngơi (Ảnh: AP)
Ngành cá và Động thực vật hoang dã Hoa Kì sẽ quyết định liệu có nên đưa gấu Bắc cực vào danh sách những loài đang bị đe doạ do ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu khiến băng tan. Gấu bắc cực sẽ không thể săn mồi và sinh sản nếu sống trên đất liền, nơi những con gấu xám Bắc Mỹ đang làm bá chủ.
Thức ăn chủ yếu của gấu trắng Bắc cực là những con hải cẩu đã kết đôi sống ở dưới biển. Những con hải cẩu này sẽ đào lỗ thở bằng móng và làm một cái ổ nhỏ trên băng để chào đón đứa con của mình. Không khí ấm lên khiến cho cái tổ băng tan sớm hơn thường lệ khi xuân đến. Những con non chưa có lớp lông dày che chở nên rất dễ nhiễm lạnh và dễ trở thành mồi cho cáo, gấu, quạ và cả mòng biển.
Còn loài hải mã Thái bình dương đang phải đối mặt với 3 mối nguy hiểm lớn: môi trường sống của chúng sẽ thay đổi, chúng buộc phải ở trên đất liền trong thời gian dài, những con yếu ớt sẽ gặp nguy trong một môi trường đông đúc như thế.
Hải mã thường phải lặn sâu xuống đáy đại dương để tìm kiếm trai, sên biển, cua, tôm và sâu biển nữa. Người ta cho rằng diện tích biển băng bị thu nhỏ còn vùng biển ấm lại gia tăng là điều kiện phát triển tốt của phiêu sinh vật vốn là khoái khẩu của cư dân đáy nước.
Không giống hải cẩu, hải mã bơi theo lộ trình xác định. Con cái và con non sử dụng mặt băng như một tấm ván trượt di động hướng ra ngoài khơi kiếm ăn. Đầu tiên chúng đến vùng biển Bering phía bắc sau đấy là biển Chuckchi. Nếu chúng bị kẹt trên bờ đến 3 tháng mỗi mùa hè, chúng sẽ không thể ra ngoài khơi được nữa. Và nếu được thì không biết chúng phải tiêu tốn bao nhiêu năng lượng để ra đến vùng kiếm ăn.
Một con hải mã trưởng thành ăn 200 pao con trai mỗi ngày. Nếu đàn hải mã ở cách xa đến 30 dặm, chúng sẽ có một vụ mùa thức ăn bội thu.
Vera Alexander, một trong ba thành viên của uỷ ban Động vật có vú trên biển Hoa Kì cho biết: “Đàn hải mã sẽ không thể nào thích nghi với môi trường mới như những loài vốn sống trên cạn”.
Theo Trà Mi (Yahoo News)