Thị trấn Kirkenes ở cực bắc của Na Uy từng nằm cách xa châu Á hơn bất kỳ cảng biển nào khác của châu Âu, nhưng đột nhiên khoảng cách giữa chúng thu hẹp đáng kể do băng tan vì biến đổi khí hậu.
Băng tan đã mở ra tuyến hàng hải Biển bắc dọc bờ biển Bắc cực của Nga, thay đổi các hoạt động thương mại quốc tế một cách sâu sắc hơn.
Trong một sự thay đổi có thể mang tính cách mạng, thời gian di chuyển giữa cảng Yokohama của Nhật và cảng Hamburg ở Đức đã được cắt giảm tới 40%, đồng thời làm giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ xuống 20%.
Sturla Henriksen, chủ tịch Hiệp hội Các chủ tàu Na Uy, tuyên bố: “Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta đang chứng kiến một tuyến đường biển mới ở sâu về phía bắc, có ảnh hưởng quan trọng đối với cả lĩnh vực thương mại và dự trữ nhiên liệu”.
Băng tan khiến các chủ tàu cân nhắc chọn tuyến đường biển ngắn hơn qua thị trấn Kirkenes của Na Uy để tới châu Á.
Năm 2012, khi băng co hẹp xuống mức thấp kỷ lục, còn 3,4 triệu km2, 46 tàu biển đã sử dụng tuyến đường mới trong khi con số này năm 2010 là 4, theo công ty điều phối tàu phá băng Rosatomflot của Nga.
Vận tải qua tuyến đường biển này hiện vẫn không đáng kể so với các tuyến giao thông truyền thống. Trung bình, các tàu quá cảnh qua eo biển Panama 15.000 lần/năm, trong khi di chuyển qua kênh đào Suez khoảng 19.000 lần/năm.
Tuy nhiên, khối lượng hàng hóa vận chuyển dọc tuyến hàng hải Biển bắc dường như sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới đây, từ 1,26 triệu tấn năm ngoái lên 50 triệu tấn vào năm 2020, theo dự đoán của Hiệp hội Các chủ tàu Na Uy.
Thị trấn Kirkenes, nơi cư trú của 3.400 dân và gần như chìm trong bóng tối bất tận suốt các tháng mùa đông, đang háo hức đón chờ sự bùng nổ mới. Tập đoàn vận tải Tschudi đã lên kế hoạch mở một trung tâm hậu cần có diện tích tương đương 200 sân bóng ở một vịnh hẹp lân cận thị trấn, nơi không có băng xuất hiện nhờ luồng hải lưu vùng vịnh ấm nóng.
Tuyến hàng hải mới cũng mở ra một thị trường hấp dẫn cho khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khai thác ở biển Barents, đặc biệt sau khi Bắc Mỹ từ chối sử dụng khí đá phiến sẵn có của khu vực này.
Mặt khác, nhu cầu khí đốt của châu Á cũng tăng lên sau thảm họa rò rỉ ở nhà máy điện hạt nhân Nhật Fukushima năm 2011. Giá khí đốt tại châu lục này cũng tăng hơn đáng kể so với ở châu Âu. Mỗi chuyến tàu chuyên chở khí tự nhiên hóa lỏng qua tuyến hàng hải Biển bắc có thể rẻ hơn tới 7 triệu USD so với việc vận chuyển qua kênh đào Suez.
Theo Vietnamnet, Telegraph