Gần gũi với Việt Nam, đặc biệt với TP.HCM: một thành phố sông nước. Không hoành tráng như người Nhật nhưng người Thái Lan chọn kênh mương làm kế chống ngập muôn đời tự nhiên.
Thành phố Bangkok nằm ở châu thổ sông Chao Phraya, cao hơn mực nước biển 1-2m. Nền đất tại Bangkok đã bị sụt lún nghiêm trọng do hậu quả của việc lấy nước ngầm sinh hoạt.
Đây là một phần khiến thủ đô Bangkok ngày một phải đối mặt với tình hình ngập lụt nghiêm trọng. Phần khác đó là do việc sử dụng đất không hợp lý, quá trình độ thị hóa quá nhanh chóng. Nhiều công trình xây dựng lớn hơn, cao hơn, rộng hơn khiến nước không còn chỗ thoát.
Bangkok có hệ thống 1.682 kênh mương lớn nhỏ khác nhau với tổng chiều dài 2.604km – (Ảnh: Cơ quan Quản lý đô thị Bangkok).
Hơn nữa, tốc độ xây dựng lại vượt quá tốc độ xây dựng hệ thống phòng chống ngập. Thậm chí nhiều công trình còn làm tổn hại đến các con kênh, mương vốn là một phần trong hệ thống thoát nước vào sông Chao Phraya.
Số liệu từ Cơ quan Quản lý đô thị Bangkok (BMA), thành phố có hệ thống 1.682 kênh mương lớn nhỏ khác nhau với tổng chiều dài 2.604km. Nhiều con kênh được xây dựng kè hai bên để ngăn lũ với tổng chiều dài 77km.
Hệ thống thoát nước công cộng với tổng chiều dài đường ống là 6.188km và 158 trạm bơm với tổng công suất đạt 1.636m3/giây.. Rải rác khắp Bangkok còn có 25 khu vực trữ nước lũ với tổng lượng nước chứa được là 1,2 triệu m3.
Ngoài hệ thống kênh, mương thoát nước, thủ đô Bangkok còn có hệ thống kiểm soát lũ gồm những đường ống có đường kính 5m, đi trong lòng thành phố ở độ sâu từ 15-22m và dùng máy bơm cao áp để bơm nước ra sông.
Trong trung tâm, Bangkok có hệ thống ống thoát nước ngầm dài 5km đã hoàn thành và thêm 6km tương tự đang xây dựng. Bên cạnh đó, Bangkok cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm hai hệ thống ống thoát, lần lượt dài 13,5km và 9,5km.
Một hồ chứa chống ngập ở Bangkok – (Ảnh: Cơ quan Quản lý đô thị Bangkok).
Nguyên nhân của trận lũ kinh hoàng tại Bangkok năm 2011 được xác định do thiếu đồng bộ quản lý ở một số hồ nước trong khu vực trong việc chứa và xả nước cho nông nghiệp; liên tiếp mưa lớn kết hợp bão trong vài ngày; nhiều cửa cống dọc sông Chao Phraya không hoạt động; lượng nước khổng lồ từ các tỉnh lân cận đổ về Bangkok.
Sau trận ngập lụt lịch sử năm 2011, thành phố Bangkok đã có nhiều hội thảo, kế hoạch để thực hiện việc chống lũ hiệu quả hơn.
Để chống ngập lụt, thành phố Bankgok gia cố, xây cao thêm các kè hai bên kênh mương và ở một số đoạn của sông Chao Phraya; nâng cao năng suất thoát nước của các con kênh; xây dựng mới thêm ba hệ thống thoát nước vào vịnh Thái Lan; xây thêm hồ chứa nước lũ.